08:10 03/08/2012

Mỹ tuyên bố tình trạng thảm họa do hạn hán

Ngày 2/8 đã có thêm 218 hạt thuộc 12 bang bị hạn hán hoành hành ở Mỹ bị coi là khu vực bị “thảm họa thiên nhiên”.

Ngày 2/8 đã có thêm 218 hạt thuộc 12 bang bị hạn hán hoành hành ở Mỹ bị coi là khu vực bị “thảm họa thiên nhiên”.


 



Ruộng ngô ở bang Kentucky khô cháy vì hạn hán. Ảnh: Internet

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, tính đến nay đã có tổng cộng 1.584 hạt (chiếm hơn 50% tổng số hạt trên toàn quốc) thuộc 32 bang được xác định là khu vực bị thảm họa thiên nhiên, trong đó tới 90% đang phải đối mặt với nạn hạn hán nghiêm trọng nhất trong hơn nửa thế kỷ qua ở Mỹ. Các bang mới bị liệt vào danh sách này là Arkansas, Georgia, Iowa, Illinois, Indiana, Kansas, Mississippi, Nebraska, Oklahoma, Nam Dakota, Tennessee và Wyoming. Ở bang Illinois, giờ chỉ còn 4 trong tổng số 102 hạt nằm ngoài danh sách thảm họa thiên nhiên.


Theo quy định của Mỹ, chính quyền liên bang sẽ có biện pháp giúp đỡ nông dân và các chủ trang trại khi địa phương của họ bị xếp là vùng bị thảm họa thiên nhiên, trong đó bao gồm cả các khoản vay khẩn cấp.


Để giảm bớt gánh nặng cho các nông trại trên toàn nước Mỹ, Bộ trưởng Nông nghiệp Tom Vilsack ngày 2/8 đã cho mở cửa 3,8 triệu mẫu đất (1,54 triệu ha) thuộc khu vực bảo tồn để nông dân chăn thả gia súc. Ông Vilsack nói: “Sự hỗ trợ này sẽ giúp người chăn nuôi gia súc Mỹ đối phó với tình trạng giá thức ăn leo thang, thiếu dự trữ cỏ khô nghiêm trọng và đồng cỏ chăn thả gia súc bị thu hẹp”.


Tại Nam Dakota - bang có khoảng 3/5 diện tích bị hạn hán nghiêm trọng hoặc cực kỳ nghiêm trọng - chính quyền đã cho phép nông dân chăn thả gia súc trên diện tích 500.000 mẫu đất thuộc khu bảo tồn, nhờ đó gia súc có chế độ dinh dưỡng tốt hơn.


Theo hãng tin AP, các công ty bảo hiểm nông nghiệp cũng đã quyết định miễn phí bảo hiểm năm 2012 cho nông dân.


Theo Cơ quan thống kê nông nghiệp quốc gia thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, gần một nửa diện tích ngô bị đánh giá ở mức chất lượng kém đến rất kém. Khoảng 37% diện tích đậu tương cũng nằm trong tình trạng này. Đây là vụ trồng trọt tồi tệ nhất kể từ nạn hạn hán năm 1988. Trong khi đó, 3/4 diện tích chăn thả gia súc cũng bị xếp là khu vực bị ảnh hưởng của hạn hán.


Tại bang Illinois, Thống đốc Pat Quinn cho biết, dù vụ thu hoạch chưa đến nhưng có thể thấy rõ là mùa màng bị phá hủy nghiêm trọng. Ước tính khoảng 71% diện tích ngô và 56% diện tích đậu tương sẽ cho sản lượng thấp hoặc rất thấp.


Cơ quan thống kê nông nghiệp quốc gia nhận định, điều kiện thời tiết khắc nghiệt năm nay có thể khiến giá lương thực năm 2013 tăng thêm 4,5%. Giá sữa, bơ và các sản phẩm từ sữa khác cũng được dự báo tăng do chi phí chăn nuôi tăng.


Nhà kinh tế Timothy Park thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, đây là vụ hạn hán nghiêm trọng nhất và gây thiệt hại nặng nề nhất trong vòng 25 năm qua ở Mỹ.
Trong khi đó, nhà kinh tế Ernie Goss thuộc Đại học Creighton cho rằng, hạn hán sẽ ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập của các nông trại, trong khi ngành xuất khẩu Mỹ lại bị ảnh hưởng do đồng USD mạnh lên. Hai nhân tố này sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ.

 

Thùy Dương