03:08 06/03/2015

Mỹ từng lo sợ vũ khí hạt nhân của Israel thế nào?

Vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của Israel là hiện tượng nguy hiểm nhất ở Trung Đông, Lầu Năm Góc cảnh báo trong những năm 1960.

Vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của Israel là hiện tượng nguy hiểm nhất ở Trung Đông, Lầu Năm Góc cảnh báo trong những năm 1960.

Chương trình vũ khí hạt nhân của Israel là một trong những bí mật quân sự lớn nhất trên thế giới. Giờ đây chúng ta biết thêm một chút về cảm giác lo lắng từ bên trong Lầu Năm Góc vào cuối những năm 1960 về kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Đó là nội dung một tài liệu mới được Trung tâm Lưu trữ An ninh Quốc gia phi lợi nhuận tại Đại học George Washington thu được gần đây. Trong năm 2006, các nhà nghiên cứu tiết lộ những tranh cãi của chính quyền Nixon trong việc phải làm gì đối với chương trình vũ khí hạt nhân của Israel. Và những tài liệu gần đây nhất trên đã tiết lộ chi tiết mới nhất về các cuộc tranh luận đó và những lời cảnh báo rõ rệt từ các quan chức Lầu Năm Góc về sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân của Israel.

Khi đó, một trong những lời cảnh báo nghiêm trọng được đưa ra bởi Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ David Packard. Ngày 14/7/1969, ông Packard đã gửi một bản báo cáo tới Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird, đề ra những nội dung cần thảo luận với tổng thống. Bản báo cáo phản ánh một sự “đồng thuận chung” giữa các quan chức Lầu Năm Góc và Ngoại trưởng Henry Kissinger rằng chương trình vũ khí của Israel sẽ làm mất ổn định khu vực.

Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Negev của Israel gần Dimona. Vòng tròn màu đỏ cho biết cơ sở tách plutonium để sản xuất vũ khí hạt nhân.


Israel vẫn rất bí mật về kho vũ khí hạt nhân của họ vốn được cho là đã có vài trăm đầu đạn hạt nhân. Vào cuối những năm 1960, tính chất bí mật của chương trình trên dẫn đến sự mơ hồ của Washington về việc Israel đã tiến triển trong vấn đề này được bao xa, và liệu các quốc gia Trung Đông khác có biết về chương trình hạt nhân của Israel.

Do đó, các quan chức Lầu Năm Góc đã đề nghị tìm kiếm một thỏa thuận với Israel để không triển khai tên lửa đạn đạo Jericho I-vốn có thể được sử dụng làm vũ khí phi hạt nhân, nhưng quá phi thực tế và tốn kém để phát triển, trừ khi Israel quyết tâm xây dựng, vũ khí hạt nhân.

Bản báo cáo cũng đề nghị trì hoãn việc cung cấp các máy bay chiến đấu F-4 Phantom cho lực lượng không quân Israel – một sự lựa chọn nhằm thuyết phục Israel từ bỏ chương trình hạt nhân của họ. Tuy nhiên, với lựa chọn này, Mỹ cũng rơi vào tình thế khó xử khác. Một mặt, Lầu Năm Góc lo ngại Israel không được đào tạo để bảo dưỡng các máy bay chiến đấu nếu Washington cung cấp cho họ.

Điều đó có nghĩa là trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh, Mỹ sẽ phải tăng cương các chuyên gia kỹ thuật để Israel duy trì các máy bay chiến đấu trên hoạt động – “một thời điểm chính trị tồi tệ nhất đối với chúng ta để làm điều đó”, báo cáo viết. Nhưng mặt khác, nếu Mỹ trì hoãn giao hàng quá lâu, các phóng viên có thể tìm hiểu và bắt đầu đặt những câu hỏi khó trả lời về những lý do.

Trong một bản báo cáo khác, Paul Warnke-Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế mô tả chương trình vũ khí của Israel là sự cấu thành "hiện tượng nguy hiểm nhất trong một khu vực đủ nguy hiểm mà không cần có vũ khí hạt nhân”.

Nhưng Warnke nghi ngờ việc hủy bỏ các hợp đồng máy bay chiến đấu sẽ khiến cho tình hình tiến triển nhiều hơn. Israel chỉ mất một vài tháng để có thể hoàn thành một vũ khí hạt nhân và "sẽ không thể cũng như không muốn nhốt ‘vị thần’ này trở lại trong chai".

Cuối cùng, Nixon đã không hủy bỏ hợp đồng máy bay chiến đấu, và Israel vẫn tiếp tục xây dựng các kho vũ khí hạt nhân không công khai vốn tồn tại đến ngày nay. Trung tâm Lưu giữ An ninh Quốc gia lưu ý rằng những lý do chính xác tại sao Nixon đã không làm theo lời khuyên từ các cố vấn của Lầu Năm Góc là không rõ ràng. Nếu tài liệu mới trên cho thấy lý do tại sao, chính phủ Mỹ đã không công bố chúng.

Nó có thể là do ảnh hưởng từ Bộ Ngoại giao, nơi mà các quan chức lo ngại rằng nhận thức của công chúng về vũ khí hạt nhân của Israel sẽ làm các cuộc đàm phán hòa bình đổ vỡ. Các nhà ngoại giao Mỹ ủng hộ một đường lối mềm mại hơn và một "cách tiếp cận có cấp độ" mà từ đó sẽ "bắt đầu với chiến thuật cơ bản có sức thuyết phục", một bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích.

Cũng có những lo lắng về việc Liên Xô sẽ phản ứng thế nào đối với chương trình hạt nhân của Israel. Nếu bí mật trên hoàn toàn được công khai, Bộ Ngoại giao Mỹ sợ rằng các nước Arập sẽ yêu cầu Liên Xô cung cấp cho họ các vật liệu hạt nhân. Liên Xô luôn đặt ưu tiên cao cho việc duy trì mối quan hệ tốt với các đồng minh Trung Đông của mình. Một sự lựa chọn phù hợp đối với Mỹ lúc đó là giả vờ công khai chương trình vũ khí hạt nhân của Israel không tồn tại. Và đó là những gì mà Mỹ đã làm.

Nhưng điều thú vị nhất có lẽ là tính toán "cay độc" của Mỹ. "Israel muốn vũ khí hạt nhân vì hai lý do: thứ nhất, để ngăn chặn những người Arập tấn công Israel, và thứ hai, nếu việc ngăn chặn thất bại, Israel có thể tràn qua tiêu diệt những người Arập trong một cuộc chiến hạt nhân một mất một còn", báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, như báo cáo trên cũng chỉ ra, điều này cũng đã dẫn đến việc khiêu khích các đối thủ của Israel, khiến những nước này tiến hành các chương trình riêng nhằm phát triển vũ khí hạt nhân như ở Syria, Iraq và Iran, đồng thời cũng gây ra một sự thay đổi từ chiến tranh thông thường đến chiến tranh phi truyền thống, điều mà Israel đang gặp khó khăn trong việc duy trì ưu thế răn đe trong thời gian dài.


Công Thuận