11:11 27/11/2012

Mỹ từng lên kế hoạch cho nổ tung Mặt Trăng

Nghe như âm mưu trong một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, nhưng sự thực là người Mỹ đã tính đến một sứ mạng cho nổ bom hạt nhân trên Mặt Trăng vào cuối thập niên 1950.

Nghe như âm mưu trong một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, nhưng sự thực là người Mỹ đã tính đến một sứ mạng cho nổ bom hạt nhân trên Mặt Trăng vào cuối thập niên 1950.


Mặt Trăng từng là mục tiêu đánh bom hạt nhân của Washington.



Báo cáo của hãng thông tấn Asian News International (ANI, có trụ sở tại Delhi, Ấn Độ) cho biết, chính quyền Mỹ đã từng lên kế hoạch cho nổ tung Mặt Trăng bằng bom hạt nhân vào cuối những năm 1950 để giành thắng lợi cuối cùng trong Chiến tranh Lạnh.


ANI cho hay, vào thời kỳ đỉnh cao của cuộc chạy đua ngoài vũ trụ, Mỹ đã cân nhắc ý tưởng kích nổ một quả bom hạt nhân trên Mặt Trăng nhằm thể hiện sức mạnh. Tuy nhiên, dự án bí mật có tên “A Study of Lunar Research Flights” (Một nghiên cứu về các chuyến bay lên Mặt Trăng) với biệt danh là “Dự án A119” này đã không bao giờ được tiến hành.


Kế hoạch trên bao gồm các tính toán của nhà thiên văn học Carl Sagan (đã qua đời năm 1996), khi đó còn là một sinh viên mới tốt nghiệp, về hoạt động của bụi và khí phóng ra từ các vụ nổ.


Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin AP vào năm 2000, nhà vật lý học Leonard Reiffel cho rằng, việc quan sát tia sáng trong một vụ nổ hạt nhân trên Mặt Trăng từ Trái Đất có thể đe dọa được Liên Xô và tăng cường niềm tin của người Mỹ sau vụ phóng Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên Sputnik. Ông Reiffel, nay đã 85 tuổi, từng chỉ đạo cuộc điều tra tại Quỹ nghiên cứu thiết giáp, nay thuộc Viện Công nghệ Illinois. Sau đó, ông cũng đã phụ trách cương vị Phó giám đốc NASA.


Theo kế hoạch được đề xuất, một quả tên lửa mang theo bom hạt nhân, sẽ được phóng từ một địa điểm bí mật và vượt qua 238.000 dặm đường để tới Mặt Trăng và được kích nổ tại đây. Những người lên kế hoạch đã quyết định sử dụng bom nguyên tử thay vì bom hydro vì sợ loại bom này quá nặng với tên lửa chở.


Tuy vậy, kế hoạch nói trên cuối cùng đã bị hủy bỏ do lo ngại một thất bại của sứ mạng này có thể gây ảnh hưởng tâm lý quá lớn.


Không quân Mỹ đã từ chối bình luận về dự án nói trên khi được hãng tin AP phỏng vấn.



Thu Hằng