05:19 10/05/2018

Mỹ - Triều Tiên: Xây lòng tin từ những viên gạch thiện chí

Sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lịch sử, các hoạt động chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên cũng đang được khẩn trương tiến hành với những hy vọng mới xuất phát từ hàng loạt động thái tích cực liên tiếp được các bên đưa ra, trong đó đặc biệt là những bước đi nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau sau một năm 2017 ngập "lửa thịnh nộ".

Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh, giữa) tại lễ đón ba công dân Mỹ vừa được Triều Tiên trả tự do: Kim Dong-chul (thứ 3, phải), Kim Hak-song (phải) và Tony Kim (thứ 2, trái) tại căn cứ không quân Andrews, bang Maryland ngày 10/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/5 vui mừng thông báo 3 công dân Mỹ bị Triều Tiên giam giữ đã được trả tự do và đang trên đường về nước cùng Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Việc Bình Nhưỡng trả tự do cho các công dân này được xem là một chiến thắng ngoại giao nữa của Tổng thống Donald Trump cũng như sự thành công trong chuyến tiền trạm của tân Ngoại trưởng Pompeo tới thủ đô Bình Nhưỡng.

Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders nhấn mạnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá cao hành động này của Triều Tiên, ca ngợi đây là "điều tuyệt vời mà Bình Nhưỡng có thể làm" trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh. Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump - ông John Bolton gọi đây là “sự thể hiện thiện chí của Triều Tiên”.

Số phận của 3 công dân Mỹ trên vốn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Washington. Thời gian qua, Chính phủ Mỹ không ngừng nỗ lực thuyết phục Bình Nhưỡng, đồng thời cam kết sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo những người này được trả tự do trong thời gian sớm nhất.

Động thái của Bình Nhưỡng thả 3 công dân này rõ ràng cho thấy một "thái độ chân thành đối với đối tác đối thoại" từ phía Bình Nhưỡng. Đây cũng là điều Triều Tiên luôn đề nghị Mỹ thể hiện trước cuộc đối thoại giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

Từ phía Mỹ, mặc dù tuyên bố chưa từ bỏ các biện pháp gây sức ép nhằm vào Triều Tiên, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận tiến hành cuộc gặp cấp cao với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và cử ông Mike Pompeo trực tiếp tới Triều Tiên 2 lần trong khoảng 1 tháng để chuẩn bị sự kiện này, cho thấy ông chủ Nhà Trắng ít nhiều đã có sự điều chỉnh theo hướng sẵn sàng đối thoại trực tiếp. Rõ ràng là một mối quan hệ xây dựng đang được thiết lập giữa Mỹ và Triều Tiên và những động thái thiện chí của hai bên đã phần nào làm giảm bớt nghi kỵ tồn tại suốt trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, vai trò đóng góp của các bên liên quan tại Đông Bắc Á cũng đang tạo những bước chuyển ngoại giao nhất định. Chỉ ít ngày sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ và Triều Tiên đã nhất trí về thời gian và địa điểm tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa hai nước, dù thông tin chi tiết chưa được công bố, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có chuyến thăm bất ngờ tới Trung Quốc để hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình. Giới chuyên gia nhận định mục đích chuyến thăm này là nỗ lực tham vấn với nhà lãnh đạo Trung Quốc trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây cũng là một minh chứng cho thấy Bắc Kinh vẫn có vai trò rất lớn trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, thậm chí có thể là một trong những tác nhân chính trong tiến trình đàm phán về Triều Tiên.

Lâu nay, Trung Quốc vốn được coi là nhà trung gian có vai trò chủ chốt trên bàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, dù vòng đàm phán này đã bị đình trệ từ lâu. Kể từ khi tình hình trên Bán đảo Triều Tiên leo thang căng thẳng trong 2 năm trở lại đây, Trung Quốc vẫn can dự khá tích cực vào việc tìm hướng giải quyết thông qua việc đề xuất sáng kiến “hai tạm dừng”, trong đó Triều Tiên tạm dừng phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, còn Mỹ và Hàn Quốc tạm dừng các cuộc tập trận quân sự chung.

Với vị trí và ảnh hưởng ở Đông Bắc Á cũng như mối quan hệ sẵn có với Triều Tiên, mọi kế hoạch nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đều khó thực hiện nếu thiếu sự hợp tác của Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc cũng có lợi ích to lớn trong việc làm dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, trước hết là trên khía cạnh kinh tế và an ninh. Tình hình mất ổn định của bán đảo Triều Tiên hay tình trạng rối ren tại Triều Tiên đều có thể dẫn tới sự rối loạn ở Đông Bắc Á. Trung Quốc, quốc gia lớn nhất ở khu vực này, chắc chắn bị ảnh hưởng, thậm chí có thể bị cuốn vào vòng xoáy căng thẳng.

Hai chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Trung Quốc vừa qua là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng muốn nhận được cam kết bảo trợ về ngoại giao của Bắc Kinh trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều.

Về phía Trung Quốc, qua các cuộc gặp với ông Kim Jong-un, Bắc Kinh muốn thể hiện vai trò không thể thiếu của mình trong giải quyết khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên ở Đại Liên hôm 7 - 8/5 vừa qua càng cho thấy Trung Quốc đang tích cực can dự vào tiến trình đàm phán giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Thông qua các cuộc gặp và điện đàm của lãnh đạo Trung Quốc với lần lượt lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, cũng như với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gần đây, Bắc Kinh dường như đang tìm cách phối hợp lập trường và lợi ích của các bên trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Mặc dù đánh giá khá thận trọng về diễn biến mới nhất này, song giới phân tích đều cho rằng mọi việc đang diễn ra theo chiều hướng đúng đắn. Các chuyến công du con thoi giữa các bên cùng những tuyên bố hay động thái thể hiện thiện chí từ Mỹ, Triều Tiên và cả thái độ tích cực của Trung Quốc đang tạo nền tảng thuận lợi để các bên xây dựng lòng tin, tiến tới một tiến trình đối thoại lâu dài cởi mở và xây dựng.

Sau thượng đỉnh liên Triều, thế giới mong chờ cái bắt tay lịch sử Mỹ - Triều Tiên với những kết quả tích cực, mà để đạt được điều đó, việc các bên duy trì sự chân thành là tối quan trọng.

Thanh Phương (TTXVN)