03:14 06/03/2014

Mỹ: Triều Tiên có ít nhất 6 bệ phóng tên lửa liên lục địa

Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định Triều Tiên có ít nhất 6 bệ phóng di động trên đất liền dành cho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-13.

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 5/3 nhận định Triều Tiên có ít nhất 6 bệ phóng di động trên đất liền dành cho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-13.

Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, trong báo cáo "Đánh giá tình hình an ninh và quân sự của Triều Tiên năm 2013" gửi Quốc hội Mỹ, Lầu Năm Góc nêu rõ tên lửa đạn đạo Hwasong-13 có tầm bắn trên 3.400 km, nhưng chưa được thử nghiệm đầy đủ nên chưa thể đánh giá độ chính xác của loại tên lửa này. Báo cáo cũng cho biết hiện Bình Nhưỡng đã triển khai các bệ phóng tên lửa tầm xa Taepodong-2 tại bờ biển phía đông và phía tây nước này.

Tên lửa đạn đạo Scud trong lễ duyệt binh tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng tháng 7/2013. Ảnh: Kyodo-TTXVN


Cũng theo báo cáo, Triều Tiên có lực lượng bộ binh đông đảo khoảng 950.000 quân. Số lượng xe tăng và các loại xe có vũ trang lần lượt là 4.200 và 2.200 chiếc. Báo cáo cho rằng Triều Tiên là "một trong những thách thức an ninh nghiêm trọng nhất" đối với Mỹ và một trong những lý do đưa ra nhận định trên là các tuyên bố và hành động quân sự của Triều Tiên nhằm vào Hàn Quốc, một đồng minh thân cận của Mỹ ở Đông Bắc Á.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ được công bố sau khi Triều Tiên tiến hành các vụ bắn thử tên lửa tầm ngắn và đạn pháo tại khu vực bờ biển phía đông nước này. Bình Nhưỡng khẳng định các vụ phóng tên lửa là một phần trong chương trình tập trận. Trong khi đó, quân đội Mỹ và Hàn Quốc cũng đang tiến hành cuộc trận hỗn hợp thường niên mang tên "Đại bàng non".

Cũng trong báo cáo này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lần đầu tiên nêu quan điểm chính thức đánh giá việc Triều Tiên thanh trừng ông Jang Song Thaek, người chú dượng đầy quyền lực của nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 12/2013.

Ông Jang Song-Thaek (thứ 2, bên phải) tại phiên tòa quân sự ở Bình Nhưỡng ngày 12/12. Ảnh: YONHAP-TTXVN


Lầu Năm Góc nhận định việc thanh trừng nhân vật quyền lực thứ 2 này của Triều Tiên sẽ không dẫn tới những thay đổi lớn trong chính sách quốc phòng cũng như đe dọa sự ổn định của nội bộ Triều Tiên trong tương lai gần. Báo cáo có đoạn viết: “Sự vắng mặt của Jang Song Thaek dường như tác động trực tiếp đến lĩnh vực kinh tế” vì ông này là “kiến trúc sư” của một số chủ trương chính sách kinh tế lớn, đặc biệt là trong quan hệ với Trung Quốc, để thu hút ngoại tệ và đầu tư vào Triều Tiên. Ông Jang Song Thaek cũng được cho là một cố vấn “tương đối thực dụng” của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, song ảnh hưởng của ông này có thể đã suy yếu trong năm 2013.

Trong một diễn biến khác, phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn thông báo của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết ngày 6/3, Triều Tiên đã từ chối đề nghị của Hàn Quốc về đàm phán giữa Hội Chữ thập đỏ hai miền để thảo luận việc tổ chức thường xuyên hoạt động đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953).

Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, phía Triều Tiên cho rằng "chưa tạo ra được bầu không khí thích hợp để tiến hành đàm phán về việc tổ chức đoàn tụ các gia đình ly tán". Bộ Thống nhất Hàn Quốc bày tỏ "lấy làm tiếc" về sự từ chối của Triều Tiên.

Ngày 5/3, Hàn Quốc đã chính thức đề nghị Hội Chữ thập đỏ hai miền Triều Tiên nhóm họp vào ngày 12/3 tới tại khu nhà hành chính thuộc phía Hàn Quốc trong làng đình chiến Panmunjom ở biên giới hai miền. Bộ Thống nhất Hàn Quốc đề nghị Bình Nhưỡng có phản hồi sớm và tích cực, xét "nỗi đau mà các gia đình ly tán phải chịu đựng".

Hàn Quốc đưa ra đề xuất trên sau khi hai miền Triều Tiên tổ chức cuộc đoàn tụ các gia đình ly tán lần đầu tiên sau hơn 3 năm. Cuộc đoàn tụ diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Núi Kumgang trong các ngày 20 - 25/2.

Cuộc chiến tranh Triều Tiên đã làm hàng triệu người bị ly tán gia đình, và phần lớn đã qua đời mà không được gặp lại người thân. Hiện còn khoảng 71.000 người, trong đó hầu hết đã trên 70 tuổi, đang trong danh sách chờ đợi các cuộc đoàn tụ.


TTXVN/Tin tức