09:06 27/09/2022

Mỹ triển khai HIMARS tới quốc gia láng giềng khác của Nga

Không chỉ viện trợ cho Ukraine, Washington còn đang gửi hệ thống tên lửa HIMARS cùng nhân viên hỗ trợ đến một nước láng giềng khác của Nga.

Chú thích ảnh
Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS). Ảnh: Getty Images

Theo RT, Bộ tư lệnh Lục quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi ngày 25/9 thông báo sẽ chuyển hai Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS) cùng với khoảng một chục nhân viên đến Latvia, để tham gia các cuộc tập trận quân sự sẵn sàng cấp quốc gia do NATO dẫn đầu.

Các hệ thống M142 HIMARS được chuyển đến quốc gia vùng Baltic nói trên trong ngày 26/9 để tham gia vào giai đoạn mùa thu của cuộc tập trận NAMEJS, kéo dài từ ngày 5/9 đến ngày 9/10.

Các hệ thống tên lửa do Mỹ sản xuất sẽ được sử dụng vào ngày 26 và 27/9 nhằm thể hiện việc triển khai nhanh chóng các vụ phóng chính xác tầm xa tới biên giới phía đông của NATO.

"NAMEJS được thiết kế để tăng khả năng sẵn sàng, khả năng sát thương, hiện đại hóa và khả năng tương tác thông qua tập trận năng lực nhanh chóng triển khai các khả năng bắn chính xác tầm xa của Lục quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi trong sự phối hợp với các đồng minh và đối tác của chúng tôi, đồng thời tích hợp hỏa lực chung trong một môi trường đa quốc gia", thông báo trên trang web của Bộ tư lệnh cho biết.

Các cuộc tập trận cũng sẽ có sự tham gia của Hệ thống Tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) của Tây Ban Nha để huấn luyện khả năng bảo vệ phòng không. Thông tin này được cung cấp bởi Đại úy Matiss Students, sĩ quan lập kế hoạch của Không quân NATO, người đã cảnh báo người dân Latvia rằng sẽ có các chuyến bay huấn luyện quân sự độ cao ở các vùng phía đông đất nước trong cuộc tập trận.

Ngoài NAMEJS 2022, NATO dự định thực hiện các cuộc tập trận bổ sung trong khu vực với biệt danh “Mũi tên bạc”. Liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu thông báo rằng khoảng 4.200 binh sĩ từ 17 quốc gia thành viên sẽ tham gia các cuộc tập trận này nhằm "tăng cường sự thống nhất của các lực lượng trên bộ và trên không", đồng thời cải thiện khả năng chiến đấu và khả năng sẵn sàng "răn đe và phòng thủ".

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Moskva và NATO tiếp tục gia tăng trong bối cảnh xung đột Ukraine đang tiếp diễn sau hơn 7 tháng. Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố động viên quân nhằm huy động khoảng 300.000 lính dự bị, một số quốc gia vùng Baltic và Ba Lan đã kêu gọi tăng cường sự hiện diện của NATO ở sườn phía Đông của khối.

Moskva cảnh báo rằng Nga sẽ không ngần ngại sử dụng "bất kỳ phương tiện nào theo ý mình" để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình, đề cập đến những vùng lãnh thổ Ukraine đang tiến hành trưng cầu dân ý về sáp nhập vào Liên bang Nga. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hôm 24/9 cho biết lãnh thổ Nga, bao gồm cả lãnh thổ “được ghi trong hiến pháp của Nga trong tương lai”, sẽ được nhà nước bảo vệ hoàn toàn.

Đáp lại, Mỹ cũng cảnh báo Nga về “hậu quả thảm khốc” nếu Moskva sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, trong bối cảnh các cuộc trưng cầu dân ý vẫn đang diễn ra tại bốn khu vực miền đông và nam Ukraine, gồm Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 25/9 nhấn mạnh trên kênh NBC News rằng Washington sẽ đáp trả bất kỳ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào của Nga chống lại Ukraine và đồng thời cảnh báo về “những hậu quả khốc liệt” nếu Moskva “vượt qua ranh giới này”.

Các cuộc bỏ phiếu nhằm sát nhập lãnh thổ vào Nga ở bốn khu vực này bắt đầu ngày 23/9 và dự kiến kết thúc ngày 27/9. Quốc hội Nga có thể tiến tới chính thức hóa việc sáp nhập trong vòng vài ngày. Ukraine và các đồng minh gọi cuộc trưng cầu dân ý là “giả tạo”, tuyên bố không có giá trị pháp lý.

Thu Hằng/Báo Tin tức