12:09 07/12/2018

Mỹ tố Nga bí mật đưa vệ tinh 'vũ khí hoá' lên quỹ đạo

Quân đội Nga tuyên bố nước này đã phóng thành công 3 vệ tinh liên lạc lên quỹ đạo. Tuy nhiên, theo Trung tâm Hoạt động Không gian Hỗn hợp Mỹ (CSpOC), Nga đã phóng tổng cộng 5 vật thể, trong đó có một “vệ tinh sát thủ” tối mật.

Chú thích ảnh
Một đợt phóng tên lửa Soyuz. Ảnh: WikiMedia Commons

Theo báo Drive, 3 vệ tinh liên lạc Rodnik lần lượt có tên gọi Kosmos-2530, Kosmos-2531, và Kosmos-2532 thành công triển khai vào quỹ đạo được chỉ định vào lúc 7h12 tối 30/11.

Khi tên lửa bắt đầu phóng lên bầu trời, mọi trình tự diễn ra theo đúng những gì dự định… song đến lúc tên lửa bay vào quỹ đạo sau 2 tiếng rưỡi, quân đội Mỹ đã phát hiện điểm bất thường.

Với 3 vệ tinh được triển khai và một tên lửa giai đoạn tầng phía trên, CSpOC dự kiến nhìn thấy 4 đường bay từ 4 vật thể phóng vào không gian. Tuy nhiên, các công cụ theo dõi lại thu nhận được đường bay của 5 vật thể. Giới phân tích lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bất thường đó có thể do tên lửa tầng phía trên bị vỡ thành 2 mảnh… hoặc Nga đã bí mật phóng một vệ tinh khác không trong kế hoạch thông báo.

Việc chính phủ các nước bí mật đưa vệ tinh lên quỹ đạo để không thu hút sự chú ý của các đối thủ quốc tế không phải là một điều hiếm gặp. Hồi tháng 4 năm nay, tập đoàn SpaceX được giao nhiệm vụ phóng một vệ tinh “mật” của Chính phủ Mỹ lên quỹ đạo song thất bại.

Tờ Drive cho rằng điều khiến động thái triển khái bí mật vệ tinh của Nga trở thành một mối lo ngại của phương Tây là do các vệ tinh này có thể bị “vũ khí hóa” – thường được gọi là “vệ tinh do thám”.

Các vệ tinh này không nhất thiết trang bị các loại vũ khí truyền thống để trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với các hoạt động quỹ đạo của nhiều quốc gia. Điều duy nhất khiến vệ tinh trở thành vũ khí trong quỹ đạo là sở hữu một “cánh tay” có thể điều khiển được và động cơ đẩy.

Theo nhà phân tích Joseph Trevithick, “vệ tinh sát thủ” có thể vô hiệu hóa một vệ tinh khác chỉ với cách đơn giản là điều chỉnh vị trí của nó trong quỹ đạo. "Chúng có thể lao thẳng vào mục tiêu, phá hủy hoàn toàn hoặc gây hư hại các thiết bị nhạy cảm trên vệ tinh. Kích thước nhỏ cho phép loại vệ tinh này ẩn nấp gần các vật thể khác, đặc biệt là những khối 'rác vũ trụ' ở quỹ đạo gần Trái Đất", chuyên gia Trevithick lý giải.

Hồi tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cáo buộc Nga phóng một module đặc biệt lên quỹ đạo để “đánh cắp” dữ liệu từ vệ tinh liên lạc quân sự chung của Pháp và Italy.

Giới quan sát phương Tây tin rằng Nga đang sử hữu một số lượng “vệ tinh giám sát” trên quỹ đạo, và cách thức đưa những vệ tinh đó lên giống hệt đợt phóng tên lửa ngày 30/11.

Cụ thể, hồi tháng 5/2014, Nga cũng thực hiện một đợt phóng tên lửa tương tự đưa 3 vệ tinh liên lạc lên quỹ đạo và quân đội Mỹ phát hiện 5 đường bay quỹ đạo. Cuối cùng, vật thể thứ 5 được tiết lộ là Kosmos-2499 – “vệ tinh do thám” được trang bị năng lực phòng thủ. Nếu như lần phòng ngày 30/11 được chứng minh có mang theo vệ tinh bí mật, thì lúc đó Nga sẽ có ít nhất 5 vệ tinh “vũ khí hóa” trong không gian.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức