07:06 06/07/2020

Mỹ tính bắt đầu hoạt động khai mỏ trên Mặt Trăng từ năm 2025

Các kế hoạch về khởi động khai mỏ trên Mặt Trăng từ năm 2025 đã trở nên hấp dẫn hơn sau khi một nhóm nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tìm thấy bằng chứng khẳng định trữ lượng kim loại dưới bề mặt Mặt Trăng có thể lớn hơn những tính toán trước đó.

Chú thích ảnh
Các nhà du hành Mỹ thực hiện nhiệm vụ thám hiểm Mặt Trăng. Ảnh: NASA

Sử dụng công nghệ tần số vô tuyến thu nhỏ (Mini-RF), nhóm nghiên cứu NASA đi tới kết luận lớp dưới bề mặt Mặt Trăng là nơi tập trung quặng kim loại như sắt, titanium nhiều hơn dự đoán. Nhóm các nhà khoa học NASA đã phát hiện ra bằng chứng củng cố kết luận này khi phân tích lớp băng ở tầng đáy của một miệng núi lửa ở khu vực phía bắc của Mặt Trăng. 

Các miệng hố sâu hơn và rộng hơn xuất hiện một kiểu cấu trúc mà ở đó có hàm lượng kim loại cao hơn so với các hố hẹp và nông. Đáng chú ý, tại các hố có chiều rộng từ 1,6-3,2 km, tính chất dẫn điện tăng tỉ lệ thuận với kích thước hố. Trong khi đó, tính chất này không thay đổi với các hố có chiều rộng từ 4,8-19,2 km. 

Nước Mỹ với công cuộc khai thác Mặt Trăng

Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh khuyến khích công dân Mỹ khai thác mỏ trên Mặt Trăng và các hành tinh khác với mục đích thương mại. Sắc lệnh định nghĩa khoảng không vũ trụ “là khu vực đặc trưng về pháp lý và vật lý của hoạt động con người” thay cho định nghĩa “là của chung toàn cầu”, mở đường cho việc khai mỏ trên Mặt Trăng mà không cần bất kỳ một hiệp ước quốc tế nào. 

Sắc lệnh khẳng định các công dân Mỹ có quyền tham gia các hoạt động khai thác thương mại, khôi phục và sử dụng các nguồn tài nguyên trong không gian, kèm theo đó là lưu ý Mỹ chưa từng tham gia ký kết một thỏa ước năm 1979 được biết đến với tên gọi “Hiệp ước Mặt Trăng”. Thỏa thuận này quy định bất kỳ hoạt động nào trong không gian đều phải phù hợp với luật pháp quốc tế. 

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nga (Roscosmos) ngay lập tức lên án quyết định của Tổng thống Mỹ, so sánh sắc lệnh này với biểu hiện của chủ nghĩa thực dân. “Trong lịch sử, chưa có một trường hợp nào mà ở đó một quốc gia đi tới quyết định khởi động chiếm đóng những vùng lãnh thổ vì lợi ích của mình. Mọi người phải nhớ điều đó có nghĩa là gì”, Phó Tổng Giám đốc Roscosmos Sergey Saveliev nêu quan điểm.

Năm 2015, Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật ngầm cho phép các công ty và cá nhân được khai mỏ, bán và sở hữu bất kỳ vật chất nào trong vũ trụ. Luật này có một điều khoản rất quan trọng, khẳng định Mỹ không trao “chủ quyền, đặc quyền hay quyền tài phán, hoặc quyền sở hữu đối với bất kỳ một hành tinh nào”. 

Điều khoản trong Hiệp ước Không gian bên ngoài (OPT) được Mỹ, Liên Xô và nhiều nước khác ký nhấn mạnh không quốc gia nào được phép sở hữu lãnh thổ trong không gian. 

Ông Trump đã theo đuổi cách tiếp cận thống nhất về lợi ích trong khẳng định quyền lực Mỹ vượt khỏi Trái Đất. Chính ông là người ra quyết định thành lập Lực lượng Vũ trụ trong quân đội Mỹ để tiến hành cuộc chiến tranh không gian. 

Mỹ không phải là nước duy nhất đặt chân vào lĩnh vực khai thác Mặt Trăng. Nga trong những năm gần đây theo đuổi các kế hoạch quay trở lại hành tinh này. Roscosmos trong năm 2018 đã tiết lộ chương trình thiết lập căn cứ dài hạn trên Mặt Trăng trong vòng hai thập kỉ tới, trong khi Tổng thống Putin tuyên bố sẽ sớm phóng tàu lên “vệ tinh của Trái Đất”. 

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều từng đề cập đến ý tưởng khai thác Helium-3 từ Mặt Trăng. Bắc Kinh đã hai lần đưa tàu thăm dò lên hành tinh này kể từ năm 2000 đến nay và dự kiến sẽ thực hiện nhiều vụ phóng tàu vũ trụ trong thời gian tới.

Giới địa chất học tin rằng các tiểu hành tinh chứa nhiều quặng sắt, nikel và các kim loại quý khác, với hàm lượng tập trung kim loại cao hơn so với các mỏ trên Trái Đất, mở ra một thị trường trị giá hàng nghìn tỉ USD.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Oilprice)