08:10 03/08/2019

Mỹ thất bại khi làm cầu nối hóa giải bất đồng Nhật-Hàn

Trong cuộc gặp ba bên đại diện ngoại giao Mỹ-Hàn-Nhật bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tổ chức tại Bangkok (Thái Lan), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã không thể trở thành mắt xích hòa giải hai đồng minh ở Đông Bắc Á.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mong muốn trở thành cầu nối hòa giải trong cuộc gặp ba bên với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha (trái) và người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono ngày 2/8. Ảnh: KYODO

Cuộc gặp mặt ba bên diễn ra sau khi chính phủ Nhật Bản ngày 2/8 chính thức quyết định loại Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách Trắng” gồm 27 đối tác được hưởng quy chế thương mại ưu đãi. Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki cho biết nước này sẽ loại Nhật Bản ra khỏi "danh sách trắng" các đối tác thương mại tin cậy, đánh dấu động thái đáp trả chỉ vài giờ sau quyết định của Tokyo.

Trong cuộc họp với hai người đồng cấp Nhật Bản Ngoại trưởng Taro Kono và Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh ông mong muốn Nhật Bản và Hàn Quốc sớm tìm được tiếng nói chung trong bất đồng hiện nay. Cũng trong cuộc họp, Ngoại trưởng Pompeo đề nghị "đóng vai trò" trong việc hóa giải mâu thuẫn giữa hai quốc gia Đông Bắc Á. Đại diện Mỹ lo ngại quan hệ không tốt đẹp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản có thể làm suy yếu khả năng đối phó với các mối đe dọa an ninh trong khu vực.

Sau khi kết thúc cuộc gặp ba bên, một quan chức Nhật Bản trong một cuộc họp báo cho biết Ngoại trưởng Mỹ chỉ đơn thuần “khuyến khích” hai bên tìm ra một con đường chung. “Chúng tôi không coi đây là lời đề nghị hòa giải”, vị quan chức đó khẳng định.

Về phần mình, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha chia sẻ bà lấy “làm tiếc” trước quyết định của Nhật Bản khi loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách đối tác hưởng ưu đãi thương mại. Bà hối thúc Tokyo có trách nhiệm với hành động của mình trong khi Seoul và Washington đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc được cho là ở mức thấp nhất kể từ khi họ bình thường hóa quan hệ vào năm 1965, với cả hai bên đe dọa các hành động thương mại có thể phá vỡ nguồn cung bán dẫn toàn cầu.

Nhật Bản đã thắt chặt hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc một số vật liệu công nghệ cao như một đòn đáp trả trước phán quyết của tòa án Hàn Quốc yêu cầu Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến.

Quan hệ hai nước trở nên trầm trọng hơn khi Nội các Nhật Bản sáng 2/8 phê chuẩn các kế hoạch loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách Trắng" gồm các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại. Quyết định này sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tuần tới, sau khi trải qua các quy trình liên quan như đăng công báo, đồng nghĩa thời hạn hiệu lực sẽ vào khoảng cuối tháng này.

Theo quyết định trên, trong thời gian tới, khoảng hơn 1.000 mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản sang Hàn Quốc sẽ phải trình chính phủ phê duyệt với từng đơn hàng một. Tokyo cũng có thể tùy ý điều chỉnh thời gian thẩm định với các đơn hàng xuất khẩu.

Hiện "Danh sách Trắng" có 27 quốc gia, như Mỹ, Anh, Pháp… theo đó, Nhật Bản cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ngoài danh mục quy định không cần phải kiểm tra, cấp phép riêng đối với từng hợp đồng mà chỉ cần một giấy phép chung. Nhật Bản đã đưa Hàn Quốc vào "Danh sách Trắng" từ năm 2004 và Hàn Quốc là nước đầu tiên bị loại khỏi danh sách này.

Bảo Hà/Báo Tin tức