09:12 21/09/2019

Mỹ thắng vòng 1 thương chiến, nhưng Trung Quốc đang dẫn vòng 2?

Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đã giành thắng lợi ở vòng 1 cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, nhưng tình thế hiện nay dường như đã đảo chiều.

Chú thích ảnh
Tổng thống Donald Trump đang đứng trước sức ép phải đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc để tạo đà cho cuộc tái tranh cử năm 2020. Ảnh: AP

Mỹ có thể đã thành công trong việc buộc một số dây chuyền sản xuất rút khỏi Trung Quốc, nhưng lúc này khi thiệt hại cũng đã xảy ra rồi, người Trung Quốc sẽ không vội vàng đi đến một thỏa thuận. Với Tổng thống Trump thì không như vậy, khi ông có một cuộc bầu cử cần phải thắng vào năm tới, giữa bối cảnh có dấu hiệu nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại.

Mỹ tạm dẫn trước?

Kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu vào giữa năm 2018, hai nền kinh tế đã tung các đòn thuế vào nhau trong suốt thời gian diễn ra 12 vòng đàm phán. 

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, qua thương chiến Tổng thống Donald Trump có hai mục tiêu chính: cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với thế giới, đặc biệt là với Trung Quốc; và buộc dịch chuyển các nguồn cung cấp và hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc để làm suy yếu quyền lực kinh tế của Bắc Kinh trong dài hạn.

Về phần mình, người Trung Quốc chủ yếu tập trung vào phòng thủ, với mục tiêu chính là giảm thiểu thiệt hại với các chuỗi cung cấp mà họ đã mất hàng chục năm để xây dựng, trong khi tìm cách duy trì tiếp cận với thị trường Mỹ.

Do sự khác biệt về mục tiêu, lâu nay Mỹ có lợi hơn khi trì hoãn ký một thỏa thuận thương mại, còn Trung Quốc mong muốn đạt được thỏa thuận sớm nhưng bất thành.

Chú thích ảnh
Xuất khẩu của Trung Quốc giảm 1% trong tháng 8 vừa qua so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: AFP

Dựa trên những kết quả cho đến nay, thì Tổng thống Trump về cơ bản đã thắng trong "thương chiến 1.0". Đã có một sự chuyển dịch đáng kể hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, gây thiệt hại đối với các chuỗi cung cấp của nước này, mặc dù thâm hụt thương mại của Mỹ với thế giới vẫn tiếp tục tăng.

Trong 7 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc chỉ còn 260,5 tỉ USD, giảm 36,6 tỉ USD, tương đương 12,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Do nhập khẩu từ Trung Quốc giảm, thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc cũng giảm từ mức 222,9 tỉ USD trong 7 tháng đầu năm 2018 xuống còn 200 tỉ USD trong cùng thời kỳ của năm 2019, tức giảm 22,9 tỉ USD, tương đương 10,3% - về cơ bản là đúng theo ý định của nhà lãnh đạo Mỹ.

Nhưng những kết luận về vòng 1 thương chiến chỉ cân bằng nếu ta nhìn vào cả những ảnh hưởng với Trung Quốc. Cũng trong 7 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu tới Mỹ từ Mexico tăng 6,3%, từ Nhật Bản tăng 4,6%, từ Hàn Quốc tăng 9,8% và từ Đài Loan (Trung Quốc) tăng 20,3%. Nếu không tính đến các quốc gia khác, lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ 4 nền kinh tế này đã tăng tổng cộng khoảng 30 tỉ USD, gần như tương đương với mức giảm nhập khẩu từ Trung Quốc trong cùng thời kỳ.

Tổng kim ngạch nhập khẩu vào Mỹ từ tất cả các quốc gia trong 7 tháng đầu năm 2019 đã tăng trên 6 tỉ USD (so với năm 2019), với thâm hụt thương mại chung tăng từ 494,5 tỉ USD lên 506 tỉ USD. Như vậy, cuộc chiến thương mại trên thực tế đã khiến thâm hụt thương mại của Mỹ phình to thêm chứ không phải nhỏ đi.

Chú thích ảnh
Các container hàng hóa chờ xuất khẩu tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Xét về thước đo này, thì chiến lược thuế của Tổng thống Trump đã không hiệu quả. Tuy nhiên, mục tiêu thực sự đằng sau thương chiến được cho là không nhằm giảm thâm hụt thương mại Mỹ nói chung, mà là buộc chuyển dịch hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc sang các quốc gia khác, qua đó làm suy yếu Trung Quốc.

Theo hướng này, nhập khẩu vào Mỹ không còn đến từ những nguồn rẻ nhất trước thuế – đa số là từ Trung Quốc  - mà từ các nguồn rẻ nhất sau khi đã tính thuế. Các số liệu thương mại cho thấy, đã có sự chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc tới các nền kinh tế khác như Mexico, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản.

"Thương chiến 2.0" và lợi thế của Trung Quốc

Mặc dù các loại thuế nhập khẩu đánh vào hàng hóa Trung Quốc chỉ thực sự được áp đặt từ ngày 6/7/2018, các cuộc đàm phán thương chiến và những lời đe dọa lẫn nhau đã diễn ra từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, cho thấy viễn cảnh bất ổn của những thỏa thuận khung thương mại trong tương lai giữa hai nước.

Đối mặt với những rủi ro này, người Mỹ và các doanh nghiệp đa quốc gia khác đã có hơn 2 năm để quyết định ở lại hay rời khỏi Trung Quốc. Nhưng họ vẫn phải nhớ rằng, xu thế đa dạng hóa địa điểm sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc (chiến lược "Trung Quốc + một") đã diễn ra trong nhiều năm nay, với ngay cả những công ty Trung Quốc, thông qua việc dịch chuyển hoạt động, chủ yếu xuống Đông Nam Á. Cuộc thương chiến dường như chỉ khẳng định rõ hơn, nếu không nói là đẩy nhanh xu thế này.

Chú thích ảnh
Ngành công nghiệp máy móc của Đài Loan hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: Jakarta Post

"Thương chiến 1.0" đang thúc đẩy hoạt động dịch chuyển sản xuất tới một loạt nền kinh tế khác bên ngoài Trung Quốc. Do hầu hết những sự gián đoạn đối với chuỗi cung cấp của Trung Quốc đã xảy ra xong xuôi, khi hai bên bước vào giai đoạn tiếp theo - "Thương chiến 2.0" - thì vị trí đàm phán của hai bên cũng thay đổi: Bắc Kinh không còn nóng lòng đạt được thỏa thuận vì rất khó để một thỏa thuận như vậy có thể đảo ngược được thiệt hại. Trong khi đó, Tổng thống Trump lúc này đang đứng trước sức ép đạt được thỏa thuận với Trung Quốc để hỗ trợ cho chiến dịch tái tranh cử năm 2020, giữa bối cảnh đã có những dấu hiệu ban đầu của giảm tốc kinh tế, cộng với những phản ứng từ cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.

Trong những điều kiện như vậy, khó có thể trông đợi Trung Quốc sẽ chấp nhận những nhượng bộ đặc biệt, thay vào đó họ có thể xuống nước nhưng chỉ "nhẹ nhàng" trong cải cách cấu trúc và tuân thủ các cơ chế giám sát mà Washington đang yêu cầu. Ở thế không chịu sức ép, và biến thách thức thành cơ hội để thúc đẩy hoạt động sản xuất và tiêu dùng nội địa, Trung Quốc có thể sẽ nổi lên như người chiến thắng ở vòng hai này.

Thu Hằng/Báo Tin tức