Ngày 2/5, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) thông báo sẽ cắt giảm ngân sách khoảng 300 triệu USD trong tài khóa 2026 và đưa số lượng nhân viên về mức tương đương thập niên 1980 - thời kỳ Tổng thống Ronald Reagan tại nhiệm – khi chỉ có khoảng 11.400 người, ít hơn 3.700 người so với hiện nay.
Trong một thông điệp bằng video, Giám đốc EPA Lee Zeldin cho biết cơ cấu mới sẽ giúp cơ quan này "phù hợp hơn với các mục tiêu tinh gọn của Tổng thống Donald Trump", bao gồm thúc đẩy năng lượng nội địa, hồi sinh sản xuất trong nước, giảm chi phí cho người dân và cải cách quy trình cấp phép.
Việc EPA tổ chức lại bộ máy sẽ dẫn đến giải thể Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển, nơi được xem là "bộ não khoa học" của cơ quan này. Thay vào đó, hoạt động nghiên cứu sẽ được chuyển sang các văn phòng khác, trong đó có Văn phòng khoa học ứng dụng mới là nơi định hướng nghiên cứu theo chính sách ưu tiên của chính phủ. Liên minh các nhà khoa học nghiên cứu về những vấn đề đáng quan ngại (UCS) đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, cho rằng quyết định trên sẽ "khiến EPA không còn là một cơ quan khoa học khách quan”.
Ngoài các bước đi trên, EPA cũng thông báo giải thể Văn phòng Khoa học và Công nghệ, đơn vị chịu trách nhiệm nghiên cứu và hướng dẫn chính sách về nước. Nhiều nhà hoạt động môi trường lo ngại giải thể văn phòng này sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì các tiêu chuẩn bảo vệ nguồn nước quốc gia.
Không chỉ EPA, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng đang trải qua đợt tái cấu trúc quy mô lớn. Theo thông tin trên báo Washington Post ngày 2/5, CIA sẽ cắt giảm khoảng 1.200 nhân viên trong vài năm tới như một phần của chương trình cắt giảm nhân sự liên bang do Tổng thống Trump khởi xướng để hướng đến "hiệu quả và tiết kiệm".
Người phát ngôn CIA hiện chưa xác nhận thông tin trên nhưng cho biết Giám đốc John Ratcliffe đang "hành động nhanh chóng để đảm bảo CIA phục vụ các ưu tiên an ninh quốc gia của chính quyền”.
Đầu năm nay, CIA là cơ quan tình báo Mỹ đầu tiên tham gia chương trình nghỉ hưu tự nguyện do Tổng thống Trump khởi xướng.