10:20 02/10/2019

Mỹ, Singapore, Thụy Điển dẫn đầu xếp hạng về năng lực cạnh tranh kỹ thuật số

Năm 2019, Mỹ, Singapore, Thụy Điển đang dẫn đầu bảng xếp hạng toàn cầu về năng lực cạnh tranh kỹ thuật số của Viện Phát triển quản lý quốc tế có trụ sở tại Thụy Sĩ.

Cùng với Đan Mạch, Thụy Sĩ, Hà Lan, Phần Lan, Hong Kong (Trung Quốc), Na Uy và Hàn Quốc, tốp 10 nước và vùng lãnh thổ này có mức đầu tư tài chính lớn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh kỹ thuật số, coi đây là hoạt động xây dựng quốc gia hướng tới tương lai.

Theo phóng viên TTXVN tại Australia, năng lực cạnh tranh kỹ thuật số tổng thể được đánh giá dựa trên ba yếu tố: kiến thức, công nghệ và mức độ sẵn sàng trong tương lai, tất cả đều là động lực chính cho phát triển kinh tế. Năm quốc gia đứng đầu đều coi trọng việc tạo ra kiến thức nhưng lại có những cách tiếp cận khác nhau đối với năng lực cạnh tranh kỹ thuật số. Mỹ và Thụy Điển tập trung vào việc tạo ra tri thức, tạo ra một môi trường thuận lợi để phát triển công nghệ và thúc đẩy sự sẵn sàng đổi mới. Singapore, Đan Mạch và Thụy Sĩ lại nhấn mạnh hơn vào một hoặc hai trong số các yếu tố trên. 

Trong khi đó, Australia đã tụt xuống vị trí thứ 14, so với vị trí thứ 13 vào năm ngoái và thứ 9 năm 2015. Ủy ban Phát triển kinh tế Australia (CEDA) về năng lực cạnh tranh kỹ thuật số cảnh báo khả năng cạnh tranh của Australia với các quốc gia khác trong một thế giới dựa vào công nghệ đang suy giảm.

Trong số 63 quốc gia, Australia xếp thứ 44 về các kỹ năng kỹ thuật số và công nghệ và mức độ sẵn sàng của các nhà tuyển dụng đào tạo nhân viên của họ trong các lĩnh vực này. Australia cũng chỉ đứng ở vị trí thứ 53 về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trong các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán). Ngành công nghệ thông tin và truyền thông của Australia, bao gồm cả cơ sở hạ tầng Internet, cũng đạt điểm rất thấp, chỉ đứng ở vị trí thứ 54. Điều này rõ ràng không gây ngạc nhiên cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân ở Australia khi thường xuyên gặp phải vấn đề về kết nối internet chậm và hay bị gián đoạn. 

Báo cáo của CEDA cho rằng lý do chính của việc thiếu đầu tư là sự khác biệt trong quan điểm của công chúng và các nhà tuyển dụng về mức đầu tư cần thiết. Trong khi nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp cao hơn so với nhu cầu của công chúng, chính sách của chính phủ lại có xu hướng đáp ứng nhu cầu của công chúng vì lý do bầu cử trong bối cảnh ngân sách có hạn.

Nguyễn Minh (TTXVN)