05:10 29/05/2014

Mỹ sẽ tăng cường sử dụng sức mạnh phi quân sự

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp của học viên Học viện quân sự West Point về chính sách đối ngoại toàn diện của Mỹ, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường sử dụng các biện pháp phi quân sự.

Ngày 28/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp của học viên Học viện quân sự West Point về chính sách đối ngoại toàn diện của Mỹ, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường sử dụng các biện pháp phi quân sự.

Tổng thống Obama phát biểu tại Học viện quân sự West Point, New York.


Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn phát biểu của của Tổng thống Barack Obama khẳng định Mỹ vẫn là quốc gia có vai trò quan trọng nhất đối với thế giới, chủ nghĩa khủng bố vẫn là mối đe dọa trực tiếp nhất đối với an ninh quốc gia của Mỹ, cả ở trong và ngoài nước. Nước Mỹ không thể xây dựng một chiến lược theo đó tiến hành xâm lược mọi quốc gia chứa chấp mạng lưới khủng bố mà phải ưu tiên thiết lập quan hệ đối tác với các nước mà ở đó các mạng lưới khủng bố tìm cách tạo lập một chỗ đứng chắc chắn.

Chính sách ngoại giao của Mỹ, trong đó có chiến lược chống khủng bố toàn cầu, phải được xây dựng trên cơ sở kết hợp cân đối giữa chủ nghĩa can thiệp và hành động quốc tế tập thể. Ông Obama cho rằng hành động quân sự trực tiếp trong trường hợp an ninh quốc gia của Mỹ bị đe dọa vẫn là phương án cần thiết nhưng thừa nhận không phải mọi vấn đề đều có giải pháp quân sự.

Ông Obama cho biết hồi đầu năm nay ông đã chỉ thị cho nhóm an ninh quốc gia phát triển một kế hoạch theo đó xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác với các nước từ Nam Á tới Bắc Phi. Trong nỗ lực này, người đứng đầu Nhà Trắng hối thúc Quốc hội ủng hộ Quỹ đối tác chống khủng bố mới trị giá 5 tỷ USD để giúp các đối tác tăng cường năng lực chống khủng bố ở tuyến trước, kết hợp tăng ngân quỹ tài trợ cho các họat động tình báo, trinh sát và các hoạt động đặc biệt khác của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Trong bài diễn văn, Tổng thống Barack Obama đặc biệt nhấn mạnh tới cuộc nội chiến đã kéo dài ba năm qua tại Syria. Ông bác bỏ phương án quân sự nhưng cam kết gia tăng các nỗ lực hỗ trợ các nước láng giềng của Syria, đồng thời tăng cường viện trợ cho phe đối lập ôn hòa trong nỗ lực lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Với cuộc chiến Afghanistan, ông Obama xác định năm 2014 sẽ đánh dấu là năm nước Mỹ chấm dứt các hoạt động tác chiến quân sự trực tiếp tại quốc gia Tây Nam Á này để chuyển sang sứ mệnh huấn luyện và cố vấn cho lực lượng bản địa. Ông Obama cho rằng việc cắt giảm sự hiện diện quân sự ở Afghanistan sẽ cho phép nước Mỹ có thể đối phó hiệu quả hơn với các nguy cơ đang xuất hiện ở Trung Đông và Bắc Phi.

Với Iran, ông Obama thừa nhận các cuộc đàm phán cho tới nay vẫn còn xa mới kết thúc, thậm chí còn có nguy cơ đổ vỡ nhưng khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi các nỗ lực ngoại giao đa phương, coi đây là cơ hội thực sự nhằm thuyết phục Tehran từ bỏ tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân. Với Ukraine, Tổng thống Obama hoan nghênh kết quả bầu cử ngày 25/5 vừa qua nhưng cho rằng chính phủ mới được bầu lên tại nước này vẫn còn nhiều việc phải làm. Ông chủ Nhà Trắng cũng một lần nữa tuyên bố Mỹ sẽ gia tăng hợp tác với các đồng minh châu Âu trong nỗ lực thuyết phục Nga chấm dứt can thiệp vào nước này.

Các học viên đón chào Tổng thống.



Về biến đổi khí hậu, ông Obama cam kết nước Mỹ sẽ đi đầu trong việc thúc đẩy thế giới ký kết một hịêp định trong năm tới về các biện pháp chống biến đổi khí hậu…Tinh thần chung của bài diễn văn của Tổng thống Obama vẫn là bảo lưu quyền hành động của Mỹ nhưng hướng chính sách đối ngoại từ “các cuộc phiêu lưu quân sự” sang việc sử dụng sức mạnh Mỹ theo các cách thức khác.

Bài diễn văn về chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ đã tạo ra nhiều phản ứng trái chiều nhau. Ông George Mitchell, cựu Thượng nghị sỹ từng là Đặc phái viên của Tổng thống Obama về Trung Đông, cho rằng trong bài diễn văn, ông Obama đã đưa ra những lập luận có tính thuyết phục về một thực tế là nước Mỹ không thể can thiệp quân sự vào mọi nơi. Tuy nhiên, ông Mitchell cho rằng nước Mỹ lẽ ra cần phải có thêm các hành động giúp phe đối lập ở Syria mà không cần phải điều động binh lính. Trong khi đó, các nhà lập pháp của phe Cộng hòa tại Quốc hội đã lên tiếng bày tỏ hoài nghi.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện, Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa Ed Royce, một mặt hoan nghênh cam kết của ông Obama, mặt khác chỉ trích chính quyền của đảng Dân chủ là mạnh trong lời nói nhưng yếu trong hành động hoặc không hành động, làm sụt giảm nghiêm trọng uy tín của nước Mỹ. Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa John McCain phát biểu trên truyền hình CNN cho rằng nước Mỹ vẫn hùng mạnh, nhưng chính quyền Barack Obama đã không sử dụng được sức mạnh đó để đối phó với các nguy cơ vượt qua “ranh giới đỏ” như trong vấn đề Syria.


TTXVN/ Tin tức