05:09 23/05/2011

Mỹ sẽ đối mặt với “đại sóng thần tài chính”?

Dẫu chính phủ và Hạ viện Mỹ chưa đạt được thỏa thuận về việc nâng cao mức nợ trần, nhưng dư luận nhìn chung đều tin rằng trước thời hạn chót 2/8/2011, đảng Dân chủ cầm quyền và đảng Cộng hòa đối lập sẽ tìm ra biện pháp nhằm tránh đưa nước Mỹ vào tình trạng mất thanh khoản...

Dẫu chính phủ và Hạ viện Mỹ chưa đạt được thỏa thuận về việc nâng cao mức nợ trần, nhưng dư luận nhìn chung đều tin rằng trước thời hạn chót 2/8/2011, đảng Dân chủ cầm quyền và đảng Cộng hòa đối lập sẽ tìm ra biện pháp nhằm tránh đưa nước Mỹ vào tình trạng mất thanh khoản dù là tạm thời đối với các khoản nợ. Bởi một khi niềm tin đối với đồng USD sụp đổ, đó không chỉ là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Mỹ vốn phụ thuộc nhiều vào vay nợ để phát triển, mà còn có thể gây ra rối loạn trên tất cả các thị trường tài chính thế giới. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ ngoài nguy cơ khủng hoảng niềm tin đối với đồng USD, nước Mỹ còn có khả năng phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ khác mà nếu xảy ra sẽ gây hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với cơn “sóng thần tài chính” năm 2008 - 2009.

Sau khi cuộc khủng hoảng cho vay quá dễ dãi nổ ra, chính phủ Mỹ đã tiến hành phong tỏa một khối lượng tài sản xấu khổng lồ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2009 tới nay, giới truyền thông tuyệt nhiên không đưa tin về việc chính phủ Mỹ đã xử lý số tài sản xấu này như thế nào. Dẫu vậy, người ta vẫn có thể khẳng định là chúng vẫn tồn tại.

Theo tiêu chuẩn, một hợp đồng tài chính phái sinh thông thường có thời hạn là 5 năm. Vì vậy, những tài sản xấu được hình thành kích nổ cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn vào tháng 7/2007 chủ yếu xuất phát từ những hợp đồng được ký kết từ tháng 7/2002. Nhưng giai đoạn mà sản phẩm tài chính phái sinh này tăng trưởng điên cuồng ở Mỹ lại là từ năm 2005 tới năm 2007. Báo chí từng đưa tin vào năm 2000, tổng giá trị của các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS, một loại sản phẩm tài chính phái sinh) ở Mỹ chỉ là 920 tỉ USD, tới năm 2004 tăng lên thành 6.000 tỉ USD. Nhưng vào tháng 7/2007, con số này đã là 62.000 tỉ USD.

Xuất phát từ thực trạng trên, Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh tế Vĩ mô Trung Quốc Vương Kiện nhận định nếu các hợp đồng tài chính phái sinh kí kết trước năm 2006 ở Mỹ không được hoàn thành, nguy cơ xảy ra “đại sóng thần tài chính” sau tháng 7 tới là rất cao. Nếu xảy ra, mức độ nhiêm trọng sẽ lớn hơn rất nhiều vì giá trị các hợp đồng tài chính phái sinh cần phải hoàn thành ở Mỹ từ năm nay tới sang năm lớn hơn 10 lần (thậm chí là cao hơn) so với quy mô tài sản xấu gây ra con “sóng thần tài chính” lần trước.

Bên cạnh đó, sau khi cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn nổ ra, kinh tế Mỹ vẫn luẩn quẩn ở vùng đáy; tỉ lệ thất nghiệp vẫn đứng ở mức cao, chưa giảm xuống; các thành phần kết cấu chống đỡ cho “tòa nhà sản phẩm tài chính phái sinh”, gồm: Cho vay mua nhà, cho vay mua xe, cho vay học tập, cho vay tiêu dùng… trở thành gánh nặng mà ngày càng có nhiều người không thể gánh vác được.

Xem xét trường hợp cho vay mua nhà, người ta thấy sau khủng hoảng, giá nhà ở Mỹ đã giảm 40% và hiện nay đã có 80% căn nhà có giá thấp hơn giá trị khoản tín dụng mà chủ nhân của căn nhà đi vay ngân hàng để mua nó. Theo phân tích của cơ quan hữu quan Mỹ, chỉ cần giá nhà tăng trở lại 10% sẽ có khoảng 20 triệu căn nhà được tung ra thị trường và sẽ gây áp lực mạnh mẽ đối với sự tăng giá của nhà đất. Nhưng nếu giá nhà thấp hơn khoản tín dụng vay mua nhà trong thời gian dài, rất nhiều người mua nhà sẽ không muốn tiếp tục nắm giữ thứ tài sản âm này nữa. Tới cuối năm 2010, đã có trên 5 triệu gia đình Mỹ khất nợ tín dụng mua nhà từ 2 tháng trở lên.

Cùng với sự tăng lên ngày càng nhiều của đội ngũ “phá sản bắt buộc”, theo nhà kinh tế độc lập Tạ Quốc Trung, Giám đốc Quản lý Tập đoàn Rosetta Stone Capital Limited, vòng đổ vỡ thứ hai của thị trường bất động sản Mỹ cũng bắt đầu. Còn với Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh tế Vĩ mô Trung Quốc Vương Kiện, điều này sẽ đặt hệ thống tài chính Mỹ trước sự đổ vỡ mới, không thể tránh khỏi.

Một yếu tố nữa là sau khi cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn năm 2007 bùng nổ, cái mà mọi người nhìn thấy chỉ là khủng hoảng trên phương diện cho vay mua nhà. Nhưng tới nay, người ta còn nhìn thấy khủng hoảng nhà hàng hóa Mỹ, khủng hoảng nợ chính phủ Mỹ, khủng hoảng nợ địa phương Mỹ và cả khủng hoảng đồng USD. Hình thái của những khủng hoảng mới cũng giống như những “thùng thuốc súng” sẽ kéo kinh tế Mỹ xuống vực sâu hơn.

Xem xét vấn đề nợ chính phủ của Mỹ, người ta thấy trước đây trên 60% người mua là doanh nghiệp và người dân Mỹ, phần còn lại được chính phủ và cá nhân nước ngoài mua. Nhưng từ đầu năm 2011 trở lại đây, 70% trái phiếu chính phủ phát hành mới của Mỹ là do FED mua, còn lại là do chính phủ ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Anh mua. Những nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước Mỹ tuyệt nhiên không bước vào thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ. Từ tháng 2 trở lại đây, Trung Quốc, nước chủ nợ lớn nhất của Mỹ, liên tục giảm lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ. May mắn cho Mỹ là ở chiều ngược lại, Nhật Bản và Anh đã nâng lượng trái phiếu kho bạc Mỹ đang nắm giữ. Nhưng tiềm lực của Nhật Bản và Anh là hữu hạn. Đặc biệt là đối với Nhật Bản, nước này đang gồng lên tự cứu mình sau đại động đất và phải hút tiền từ bên ngoài về trong nước phục vụ công cuộc tái thiết. Một khi trái phiếu Mỹ không có người mua hoặc sức mua yếu không đủ bù đắp cho chi tiêu chính phủ, hậu quả sẽ là khôn lường.

Ở khía cạnh niềm tin đối với đồng USD, người ta thấy sau Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là từ khi loài người bước vào thế kỷ mới, kinh tế Mỹ ngày càng quá độ nhanh hơn theo hướng sử dụng vốn ảo với đặc trưng chủ yếu là dùng tài sản tài chính để đổi lấy tài sản vật chất của nước khác. Khủng hoảng cho vay dưới chuẩn bùng phát, thị trường tài chính của Mỹ gục ngã không đứng dậy được, việc dùng tài sản tài chính để đổi lấy tài sản vật chất ngày càng trở nên khó khăn, buộc Mỹ phải phát hành trái phiếu chính phủ vốn vẫn còn được các nước tin mua, để đổi lấy tài sản vật chất. Nhưng Mỹ càng phát hành trái phiếu nhiều, niềm tin đối với trái phiếu Mỹ càng giảm xuống và khách hàng cuối cùng còn lại chỉ là FED. Nói một cách khác, Mỹ đang đánh bạc với niềm tin đối với đồng USD. Một khi niềm tin đối với đồng USD đổ vỡ, dòng sản phẩm vật chất chảy vào Mỹ sẽ bị ngừng trệ, kinh tế Mỹ sẽ lâm vào một cuộc khủng hoảng còn lớn hơn “Đại khủng hoảng 1929-1933” vì khi đó sản xuất vật chất của Mỹ dư thừa còn hiện nay hơn 45% hàng hóa vật chất mà Mỹ cần là phải nhập khẩu.

Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)