05:10 23/05/2018

Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là 'tặng quà' cho Nga?

Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran có thể đem về “một món quà” cho Nga. Đây là nhận định của học giả David A. Andelman tại Trường Luật Fordham (Mỹ).

Theo học giả Andelman, động thái của Tổng thống Trump tạo điều kiện cho Nga chủ động xử lý vấn đề giá dầu vốn được coi là xương sống của nền kinh tế nước này.

Tổng thống Putin tại một cơ sở đường ống dẫn dầu ở Amur. Ảnh: AFP

Tờ TIME (Mỹ) đánh giá sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015, nhiều khả năng sản lượng khai thác dầu của Iran sẽ giảm dẫn đến giá “vàng đen” tăng. Trong khi đó, sản lượng dầu thô trên toàn thế giới trong thời gian qua vốn đã giảm do bất ổn tại Venezuela, tình hình mất cân bằng địa chính trị ở Trung Đông và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) chủ trương cắt giảm sản lượng khai thác.

Cách đây 1 năm, giá dầu Brent dao động trong khoảng từ 46 - 51 USD/thùng. Song đến ngày 15/5 vừa qua, giá dầu Brent đã “nhảy” lên mức 78 USD/thùng. Trong vòng 2 tháng gần đây, giá dầu thô tăng 10 USD. Với thực tế Nga sản xuất gần 11 triệu thùng/ngày thì điều này đồng nghĩa với việc mỗi ngày Moskva thu về thêm 110 triệu USD.

Kể từ khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã “kéo” Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận chống biến đối khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã gây nhiều tác động đối với kinh tế Nga. Đơn cử trong tháng 4 vừa qua, thị trường chứng khoán Nga đã chứng kiến tình trạng giảm điểm. Nhưng cùng thời điểm này, Tổng thống Vladimir Putin quyết định áp dụng biện pháp đa dạng thị trường cho xuất khẩu dầu thô của Nga. Đơn cử như trong tháng 1, đường ống dẫn dầu thứ hai chạy từ Nga tới Trung Quốc đã được khai trương.

Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào ngày 22/5 đã công bố "Kế hoạch B" của Washington đối với Iran, trong đó đe dọa áp dụng “những lệnh trừng phạt mạnh nhất trong lịch sử” nhằm vào Tehran nếu lãnh đạo quốc gia Tây Nam Á này không thay đổi chính sách.

Đài BBC (Anh) cho biết Ngoại trưởng Pompeo cảnh báo rằng Iran có thể “phải chiến đấu để giữ nền kinh tế sống còn” một khi lệnh trừng phạt có hiệu lực.

Theo “Kế hoạch B” nói trên, Washington nêu 12 điều kiện cần thiết để có thể bắt đầu “thỏa thuận mới” với Tehran. Ngoại trưởng Mỹ còn nêu rõ các lệnh trừng phạt sẽ được nới lỏng khi Washington thật sự nhận thấy có thay đổi trong chính sách của Iran.

Hà Linh/Báo Tin tức