10:17 22/10/2018

Mỹ rút khỏi INF: Nguy cơ tái xuất chạy đua vũ trang và chiến tranh lạnh

Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), còn gọi là Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm ngắn và tầm trung, vốn được coi là biểu tượng dẫn tới việc chấm dứt kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, đang có nguy cơ đổ vỡ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi văn kiện này.

Chú thích ảnh
 Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông báo của nhà lãnh đạo Mỹ không chỉ gây ra những phản ứng dữ dội từ Moskva mà còn tạo ra những nghi ngại đối với nhiều đồng minh của Mỹ ở châu Âu, nơi từng xem INF, được lãnh đạo Liên Xô và Mỹ  ký ngày 8/12/1987, như "lá bùa" ngăn chặn những cuộc đối đầu hạt nhân gây hậu quả thảm khốc.

Theo thỏa thuận hạt nhân INF, Liên Xô trước đây (nước Nga ngày nay) và Mỹ cam kết không phát triển, thử nghiệm hoặc triển khai các tên lửa hạt nhân và thông thường tầm ngắn và tầm trung (tầm bắn từ 500 - 5.500 km). Thỏa thuận này đạt được trong bối cảnh Liên Xô lúc đó đã triển khai gần 400 đầu đạn hạt nhân hướng về phía Tây Âu, trong khi Mỹ cũng đã phản ứng với việc bố trí các tên lửa Pershing và tên lửa hành trình ở châu Âu. Từ khi hiệp ước có hiệu lực tháng 6/1988 đến tháng 6/1991, Liên Xô đã thủ tiêu 1.846 tên lửa và Mỹ thủ tiêu 846. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cả Nga và Mỹ đều cáo buộc nhau vi phạm INF. 

Phía Mỹ cáo buộc Nga vi phạm INF khi phát triển hệ thống tên lửa 9M729, mà phương Tây gọi là SSC-8, được cho là hệ thống cải tiến từ các tên lửa hành trình Kalibr, có thể gắn đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân và có tầm bắn tới 2.600 km. Tuy nhiên, phía Nga tuyên bố loại tên lửa này hoàn toàn đáp ứng các quy định của INF,  đồng thời tố cáo Mỹ đã vi phạm INF khi triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tại Romania. Moskva cũng khẳng định Washington không có bằng chứng để chứng minh cho cáo buộc Nga vi phạm INF.

Đây không phải là lần đầu hai cường quốc hạt nhân Nga, Mỹ tranh cãi và đổ lỗi cho nhau vi phạm các thỏa thuận liên quan. Và mỗi lần như vậy, Washington đều “chủ động” đi trước, như việc hồi năm 2001 rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM).

Theo giới phân tích, Mỹ cũng đang nghiêng về khả năng không gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), vốn sẽ hết hạn vào năm 2021. Như vậy, nếu cả START mới lẫn INF bị thủ tiêu, điều này sẽ đặt thế giới gần như vào tình huống đối đầu chiến lược giữa hai cường quốc hạt nhân như từng xảy ra đầu những năm 1970.

Phản ứng với quyết định của Mỹ, Nga coi đây là động thái mang tính chất "hăm dọa" nhằm ép buộc Moskva phải nhượng bộ, là bước đi nguy hiểm và vô trách nhiệm. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng quyết định của Washington là "một phần đường lối chính sách của Mỹ nhằm rút khỏi các thỏa thuận pháp lý quốc tế, vốn đặt trách nhiệm ngang nhau giữa Mỹ và các đối tác”.

Moskva chỉ trích Mỹ đi ngược lại nỗ lực của cộng đồng quốc tế vì một thế giới an ninh và ổn định cũng như sẵn sàng hợp tác để củng cố các cơ chế kiểm soát vũ khí hiện hành. Điều này có thể buộc Nga phải thực thi các biện pháp đáp trả, kể cả quân sự. Tuy nhiên, Nga vẫn mong muốn tiếp tục đối thoại với Mỹ để giải quyết các vấn đề hai bên cùng quan tâm liên quan đến INF.        

Đức, đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Âu cũng kêu gọi Mỹ cân nhắc kỹ hậu quả liên quan việc rút khỏi INF, thỏa thuận vốn được xem như một "trụ cột quan trọng của cấu trúc an ninh châu Âu” và là một nhân tố quan trọng của việc kiểm soát vũ khí trong suốt hơn 30 năm qua. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng lo ngại việc chấm dứt thỏa thuận này có thể tác động tiêu cực tới hiệp ước START giữa Nga và Mỹ.

Ngay trên chính trường Mỹ, nhiều ý kiến chỉ trích Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi INF mà không có một chiến lược tổng thể nhằm hạn chế hậu quả, đồng thời cũng không tham vấn với Quốc hội hay các đồng minh thân cận.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Nga giai đoạn Michael McFaul gọi quyết định của Washington rút khỏi INF là "cú đánh" vào các đồng minh châu Âu. Đây được xem là một bằng chứng nữa cho thấy chính quyền Tổng thống Donald đang thực thi chính sách đơn phương, bất chấp sự phản đối của các đồng minh gần gũi nhất, và cũng "không đếm xỉa" tới lợi ích của họ, tương tự như việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Điều này sẽ đe dọa lợi ích an ninh quốc gia của nước Mỹ về lâu dài. Thậm chí Mỹ sẽ còn tiếp tục bị cô lập trên trường quốc tế.

Việc phá bỏ một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân sẽ gây nguy hiểm cho toàn bộ hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu, đồng thời có thể đẩy các bên quay trở lại một cuộc chạy đua vũ trang và thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đặc biệt, bước đi của Mỹ có thể hủy hoại mọi cơ hội gia hạn START-3. Đây là "kịch bản" gây nhiều lo ngại bởi nếu không có một quyết định tích cực về việc gia hạn START mới và nếu INF đổ vỡ, thì sẽ không có giới hạn pháp lý ràng buộc nào đối với hai siêu cường hạt nhân lớn nhất thế giới này và rủi ro cạnh tranh hạt nhân Mỹ - Nga sẽ tăng lên.          

Theo nhiều nhà phân tích, việc rút khỏi hiệp ước này sẽ cho phép Mỹ phát triển các loại tên lửa tối tân,  đồng thời có thể kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang mới, song lần này có thể ở quy mô lớn hơn. Trong bối cảnh toàn thế giới đang nỗ lực hướng tới một môi trường ổn định, an ninh và an toàn trên cơ sở hợp tác và đối thoại, việc Mỹ tiếp tục rút khỏi một văn kiện kiểm soát vũ khí quan trọng như INF được xem là bước thụt lùi đối với hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu. Trong khi đó, liên hệ hồ sơ hạt nhân Iran và Triều Tiên hiện nay, giới phân tích cho rằng quyết định của Tổng thống Trump có thể “hủy hoại uy tín của Mỹ trên bàn đàm phán” với cả Tehran lẫn Bình Nhưỡng.

Thượng nghị sĩ Mỹ Rand Paul của bang Kentucky cho rằng chính quyền Tổng thống Trump sẽ phạm sai lầm lớn nếu rút khỏi INF, thay vào đó, Mỹ cần đàm phán với Nga để tháo gỡ những căng thẳng khi hai bên liên tục cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận. Nga cũng nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Washington về các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện START-3 và INF, bởi đây là những văn kiện cơ bản làm cơ sở cho quan hệ hai nước.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres, trong chương trình nghị sự mới về giải trừ vũ khí, đã kêu gọi Nga và Mỹ giải quyết bất đồng về INF để tránh xảy ra thảm họa khi căng thẳng giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân không thể  kiểm soát. Rõ ràng cả Nga và Mỹ đều chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu, và bất kỳ bước đi thiếu cân nhắc nào cũng có thể gây hậu quả khó lường.

Trần Mạnh Hùng (TTXVN)