02:11 15/02/2018

Mỹ ra điều kiện để thay đổi chính sách với Triều Tiên

Washington sẽ không thay đổi chính sách đối với Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng từ bỏ theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Ngày 14/2, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết, Washington sẽ không thay đổi chính sách đối với Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng từ bỏ theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân.


Trả lời phỏng vấn trang mạng Axios, ông Pence nêu rõ Tổng thống Mỹ Donald Trump "luôn tin tưởng vào việc đối thoại với Triều Tiên, song đối thoại không phải là thương lượng". Ông nhấn mạnh rằng Triều Tiên phải "từ bỏ hoàn toàn và có thể kiểm chứng được" các chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này, và "chỉ khi đó mới có thể cân nhắc bất kỳ thay đổi nào trong cách tiếp cận của Mỹ hoặc cộng đồng quốc tế". Nhấn mạnh về chiến dịch do Mỹ đứng đầu nhằm gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên thông qua các biện pháp trừng phạt, ông Pence lưu ý Washington có "những lựa chọn quân sự khả thi" để đối phó với điều mà Washington gọi là mối đe dọa hạt nhân đang gia tăng từ phía Bình Nhưỡng.


Tuyên bố trên được đưa ra sau khi tờ Washington Post số ra ngày 12/2 đăng tải bài phỏng vấn Phó Tổng thống Mike Pence khi ông trên chuyên cơ về nước sau khi tham dự lễ khai mạc Olympic mùa Đông PyeongChang ở Hàn Quốc. Trong bài phỏng vấn, ông Pence khẳng định Mỹ sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Triều Tiên trong khi vẫn duy trì gây sức ép tối đa nhằm buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình hạt nhân. Tờ Washington Post bình luận đây là "một sự thay đổi quan trọng" so với quan điểm trước đây của Mỹ, vốn chủ trương chi đối thoại sau khi Triều Tiên có những nhượng bộ thực sự và cụ thể.


Tối cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Sin-dô A-bê) và Tổng thống Donald Trump đã có cuộc điện đàm, trong đó nhất trí rằng sẽ không có cuộc đối thoại ý nghĩa nào trừ phi Triều Tiên chấp nhận phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược.


Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Abe xác nhận mối quan hệ đồng minh mạnh mẽ Nhật-Mỹ trong việc ứng phó với mối đe dọa Triều Tiên. Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Nhật Bản cho biết hai bên cũng chia sẻ về tầm quan trọng của các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn.


Đây là lần thứ hai lãnh đạo Nhật-Mỹ điện đàm trong tháng này. Các phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh Tokyo đang quan ngại rằng Hàn Quốc sẽ giảm bớt nỗ lực ngoại giao và trừng phạt kinh tế tối đa với Bình Nhưỡng để thúc đẩy đối thoại theo điều kiện của Triều Tiên, qua đó chấp nhận nước này là một quốc gia hạt nhân.


Mối quan hệ liên Triều đang ấm lên sau khi Bình Nhưỡng cử phái đoàn cấp cao tới thăm Hàn Quốc và cử vận động viên tham dự Olympic mùa Đông 2018, đang diễn ra ở Pyeongchang. Sự "xích lại gần nhau" này đã được thể hiện mạnh mẽ khi thế giới chứng kiến các vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên cùng diễu hành dưới một lá cờ chung trong lễ khai mạc Olympic vào tối 9/2. Mới đây nhất, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cam kết thực hiện các nỗ lực nhằm tiếp tục duy trì bầu không khí hòa giải với Seoul và đã mời Tổng thống Hàn Quốc sang thăm Bình Nhưỡng.


TTXVN/Báo Tin tức