08:22 05/08/2012

Mỹ phải làm gì trước nguy cơ chiến tranh mạng?

Theo mạng tin "ipolitics.ca" (Canađa) ngày 4/8, các nhà khoa học hạt nhân Iran dường như đã phát hiện một virút máy tính thâm nhập mạng máy tính tại các cơ sở hạt nhân Natanz và Fordo và đánh sập hệ thống hồi tháng trước.

Theo mạng tin "ipolitics.ca" (Canađa) ngày 4/8, các nhà khoa học hạt nhân Iran dường như đã phát hiện một virút máy tính thâm nhập mạng máy tính tại các cơ sở hạt nhân Natanz và Fordo và đánh sập hệ thống hồi tháng trước. Iran đã phủ nhận thông tin này, nhưng nếu đúng, đây là cuộc tấn công mạng mới nhất, được cho là của Mỹ và Ixraen, nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran.


 

Các kỹ sư làm việc trong cơ sở hạt nhân Natanz ở miền trung Iran. Ảnh: Internet

 

Nhưng trong kỷ nguyên chiến tranh mạng đang tăng tốc, việc suy nghĩ về cách thức đối phó của Mỹ vẫn lộn xộn. Việc các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa quyết định cản trở dự luật chiến tranh mạng quan trọng vào hôm 2/8 cho thấy sự chậm chạp của Quốc hội Mỹ.


Mạng Internet rõ ràng sẽ trở thành đấu trường chính của các cuộc xung đột tương lai, và phần lớn cơ sở hạ tầng của Mỹ, gồm mạng lưới điện, các hệ thống viễn thông và tài chính là dễ bị tổn thương trước một cuộc tấn công qua Internet. Mỹ phải chấp nhận rằng việc quân sự hóa thế giới số là không tránh khỏi và chính phủ liên bang cần có những động thái nhằm cải thiện khả năng phòng thủ của Mỹ.


Cuộc tấn công vào các mạng máy tính của Iran, trên nguyên tắc không phải là mới hoặc duy nhất. Từ điện tín, đến tên lửa dẫn đường và máy bay không người lái, lâu nay đã được Mỹ và các nước khác sử dụng phổ điện từ để thúc đẩy các mục tiêu quân sự của họ. Công nghệ luôn được điều chỉnh cho phù hợp với chiến tranh. Các quốc gia khác, cũng như giới tội phạm và khủng bố, cũng đang tự trang bị cho mình. Tướng Keith Alexander, người đứng đầu Bộ Chỉ huy mạng của quân đội Mỹ mới đây đã lưu ý rằng trong giai đoạn 2009 - 2011, số vụ tấn công mạng của chính phủ nước ngoài và các đối tượng khác nhằm vào cơ sở hạ tầng của Mỹ đã tăng 17 lần và đánh cắp số tài sản trí tuệ trị giá khoảng 1.000 tỷ USD.


Mặc dù cho đến nay, ưu thế tấn công của Mỹ trong không gian mạng và tiềm năng giáng trả đang răn đe các nước khác không tiến hành các cuộc tấn công phá hoại thực sự. Hiện những kẻ khủng bố cũng chưa đủ khả năng tiến hành một cuộc tấn công mạng lớn, nhưng các chuyên gia an ninh cho rằng, một cuộc tấn công mạng lớn là vấn đề sẽ xảy ra khi nào, chứ không phải có xảy ra hay không.


Chiến lược chống chiến tranh mạng của Mỹ nên bắt đầu bằng việc hợp tác với các đồng minh để tạo ra bộ hướng dẫn quốc tế về hành vi trong không gian mạng, trong khi phải công nhận những hạn chế của cách tiếp cận này. Những đề xuất như lập đường dây nóng giữa các bộ chỉ huy mạng ít có giá trị thực tế. Mỹ cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, có nghĩa là nên chú ý hơn tới những lĩnh vực kết nối được với Internet và huy động thêm các công ty để giải quyết sự dễ bị tổn thương của họ. Điều đó có nghĩa là cải thiện các biện pháp phản ứng, trong đó có việc chuẩn bị các đơn vị Cảnh sát quốc gia để phản ứng với các kịch bản thảm họa như mất điện trên diện rộng, xây dựng những trang mạng thay thế có thể kích hoạt trong trường hợp khẩn cấp và tạo ra ranh giới thẩm quyền rõ ràng hơn trong một cuộc tấn công. Điều quan trọng nhất là chính phủ và khu vực tư nhân phải hợp tác với nhau.


Tất nhiên, một không gian mạng quân sự hóa cũng có thể ngăn nhiều điều xấu xảy ra. Mỹ có thể tự cho đã làm đúng khi làm gián đoạn các kế hoạch hạt nhân của Iran, nhất là việc sử dụng một chiến thuật không gây ra thương vong, không ảnh hưởng đến những người dân thường và có thể "câu giờ" để các lệnh trừng phạt và tiến trình thương thuyết bắt đầu phát huy tác dụng. Nếu được sử dụng một cách có trách nhiệm, các cuộc tấn công mạng có thể trở thành một công cụ nữa trong kho vũ khí không gây chết người.


Tuy nhiên, các kẻ thù của nước Mỹ sẽ không có những ý định "tốt đẹp" như vậy, nên nước Mỹ cần phải chuẩn bị để khi bị tấn công sẽ không bị bất ngờ và biết chính xác cách thức đối phó.


Thanh Hoa