05:15 08/05/2020

Mỹ nỗ lực lấp 'khoảng cách về tên lửa' với Trung Quốc

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thêm một khúc cua, khi Washington ra mắt vũ khí và chiến lược mới để lấp cạnh tranh với Bắc Kinh.

Chú thích ảnh
Hải quân Mỹ khi phóng một tên lửa Tomahawk. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lên kế hoạch triển khai tên lửa hành trình tầm xa phóng từ mặt đất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ cũng gia tăng phát triển tên lửa chống hạm tầm xa đầu tiên trong nhiều thập niên.

Theo điều trần trước quốc hội vào tháng 3 bởi các chỉ huy quân sự, Lầu Năm Góc dự định trang bị cho lực lượng Thủy quân lục chiến phiên bản tên lửa Tomahawk.

Dưới đây là video quân đội Mỹ thử phóng tên lửa từ tàu ngầm USS John Warner (nguồn: Hải quân Mỹ):

Trong thay đổi về chiến thuật, lực lượng Thủy quân lục chiến sẽ phối hợp cùng Hải quân Mỹ tấn công chiến hạm của kẻ địch. Những đơn vị nhỏ, di động của Thủy quân Lục chiến Mỹ trang bị tên lửa chống hạm sẽ trở thành “sát thủ”. Trong trường hợp xảy ra xung đột, những đơn vị này sẽ giữ vai trò then chốt tại Tây Thái Bình Dương.

Tướng David Berger ngày 5/3 từng phát biểu với Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ rằng các đơn vị Thủy quân Lục chiến nhỏ trang bị tên lửa có thể hỗ trợ Hải quân Mỹ giành kiểm soát vùng biển, đặc biệt là Tây Thái Bình Dương.

Lượng nhỏ tên lửa phóng từ mặt đất sẽ không thể thay đổi được cán cân quyền lực nhưng thay đổi sẽ gửi tính hiệu chính trị mạnh mẽ rằng Mỹ chuẩn bị cạnh tranh với Trung Quốc về vũ khí. Mối đe dọa lớn nhất với quân đội Trung Quốc xuất phát từ tên lửa chống hạm tầm xa mới được trang bị cho chiến đấu cơ của Hải quân và Không quân Mỹ.

Cựu quan chức quốc phòng Australia Ross Babbage đánh giá: “Mỹ đang quay trở lại mạnh mẽ. Đến năm 2024 hoặc 2025, sẽ có rủi ro rằng vũ khí quân đội Trung Quốc phát triển trở nên lỗi thời”.

Một người phát ngôn của quân đội Trung Quốc, Đại tá Wu Qian trong tháng 10/2019 cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ không để yên nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm xa tại châu Á-Thái Bình Dương.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Mỹ liên tục gia tăng triển khai quân sự trong khu vực. Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng chia sẻ với Reuters: “Gần đây, Mỹ ngày càng tăng cường theo đuổi cái gọi là ‘chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương’ để triển khai vũ khí mới tại châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc kịch liệt phản đối điều này”.

Trước động thái mới nhất của Mỹ, Trung Quốc cho rằng Washington “cẩn trọng về từ ngữ” và “ngừng di chuyển quân cờ” trong khu vực. Quân đội Trung Quốc đã hình thành lực lượng lớn tên lửa có phạm vi hoạt động vượt tên lửa của Mỹ và các đồng minh. Một chỉ huy cấp cao quân đội Mỹ đánh giá Trung Quốc đang chiếm ưu thế đối với những vũ khí này.

Trong 2 thập niên qua, khi Mỹ bị xao lãng bởi chiến tranh ở Trung Đông và Afghanistan thì quân đội Trung Quốc đã xây dựng được một lực lượng tên lửa có thể tấn công tàu sân bay, cùng nhiều chiến hạm khác.

Trung Quốc có được lợi thế này bởi không phải là thành viên của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vốn hạn chế Mỹ và Nga sở hữu tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo có tầm bắn từ 500-5.500 km. Theo ước tính của Mỹ, vì không bị bó buộc bởi INF nên Trung Quốc đã có trong tay khoảng 2.000 tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

Ngoài việc tăng cường lực lượng tên lửa phóng từ mặt đất, Trung Quốc cũng trang bị tên lửa chống hạm tầm xa cho chiến đấu cơ và tàu chiến.

Nhưng việc Tổng thống Trump quyết định rời INF trong năm 2019 đã mở lối đi mới cho quân đội Mỹ. Không lâu sau khi rút khỏi INF trong ngày 2/8/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết ông muốn thấy tên lửa triển khai ở châu Á trong những tháng sau đó. Tuy nhiên, ông Esper phải thừa nhận điều này sẽ mất thời gian. Cuối tháng 8, Lầu Năm Góc đã thử nghiệm tên lửa Tomahawk và trong tháng 12/2019 là tên lửa đạn đạo.

Chú thích ảnh
Một vụ thử tên lửa của quân đội Mỹ tại California. Ảnh: Reuters

Thủy quân lục chiến Mỹ đã đề nghị Lầu Năm Góc 125 triệu USD để mua 48 tên lửa Tomahawk từ năm 2021. Một chỉ huy cấp cao của Thủy quân Lục chiến Mỹ, Tướng ba sao Eric Smith cho biết trong tháng 6/2019, Thủy quân Lục chiến đã thử thành công vũ khí chống hạm tầm ngắn mang tên tên lửa Naval Strike. Theo ông Smith, Thủy quân Lục chiến Mỹ đến năm 2022 có thể trang bị thêm 36 tên lửa này.

Bộ Quốc phòng Mỹ còn nghiên cứu về vũ khí tấn công tầm xa với ngân sách khoảng 3,2 tỷ USD dành cho công nghệ siêu thanh. Lầu Năm Góc đã đẩy mạnh hỏa lực của phi đội chiến đấu cơ tại châu Á. Tiêm kích Super Hornet của Hải quân Mỹ và máy bay ném bom B-1 thuộc Không quân Mỹ đang được trang bị tên lửa chống hạm tầm xa mới của Lockheed Martin. Tên lửa này có thể mang theo đầu đạn 450 kg.

Chi tiết về tầm bắn của tên lửa này vẫn được giữ bí mật nhưng một số quan chức quân đội ước tính nó có thể vươn tới mục tiêu ở khoảng cách hơn 800 km. Lầu Năm Góc lên kế hoạch chi 224 triệu USD để đặt hàng 53 tên lửa nói trên trong năm 2021.

Hà Linh/Báo Tin tức