08:11 05/08/2015

Mỹ: Nghị sỹ Cộng hòa trình dự luật phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran

Giới chức đảng Cộng hòa thông báo Hạ viện Mỹ vào tháng 9 tới sẽ tiến hành bỏ phiếu một dự luật nhằm phản đối thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Trong một động thái cho thấy thỏa thuận hạt nhân giữa Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) và Iran mới đạt được tiếp tục đối mặt với nhiều trở ngại tại Quốc hội Mỹ, ngày 4/8, giới chức đảng Cộng hòa thông báo Hạ viện nước này vào tháng 9 tới sẽ tiến hành bỏ phiếu một dự luật nhằm phản đối thỏa thuận hạt nhân trên.

Trao đổi với báo giới, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Hạ sỹ Cộng hòa Ed Royce, người đã trình dự luật phản đối trên, chỉ trích thỏa thuận hạt nhân với Iran đạt được hồi tháng 7 vừa qua đã nhượng bộ quá nhiều cho nước CH Hồi giáo. Theo ông Royce, thỏa thuận trên sẽ đe dọa đến sự an toàn, sự ổn định và nền an ninh trên thế giới.

Trong khi đó, Thượng nghị sỹ Mitch McConnell, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mỹ, cùng ngày cho biết Thượng viện nước này nhiều khả năng cũng sẽ cân nhắc một động thái phản bác tương tự.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Hạ sỹ Cộng hòa Ed Royce.


Quyết định trên đồng nghĩa Quốc hội Mỹ hiện do phe Cộng hòa nắm quyền kiểm soát sẽ tìm cách thông qua một dự luật bác bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran thay vì một nghị quyết ủng hộ không mang tính ràng buộc trước ngày 17/9 tới. Nếu được thông qua, dự luật trên sẽ ngăn cản Tổng thống Mỹ Barack Obama triển khai việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Tehran để đổi lại quốc gia Hồi giáo phải kiềm chế chương trình hạt nhân của mình.

Theo Đạo luật Xem xét thỏa thuận hạt nhân Iran được Tổng thống Obama ký ban hành hồi tháng 5/2015, Quốc hội Mỹ sẽ có thời hạn đến ngày 17/9 để thông qua hoặc bác bỏ thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc được công bố hôm 14/7 vừa qua. Trước đó, ông đã tuyên bố sẽ sử dụng quyền phủ quyết nếu Quốc hội bác bỏ thỏa thuận trên. Hiện thỏa thuận hạt nhân Iran đã giành được sự ủng hộ quan trọng của các nghị sỹ đảng Dân chủ trong Quốc hội, nâng cơ hội cho ông Obama bảo lưu quyền phủ quyết của mình. Trước đó một ngày, người phát ngôn tổng thống Josh Earnest cho hay Nhà Trắng tự tin có thể sử dụng quyền phủ quyết "ít nhất tại Hạ viện".

Trong trường hợp Quốc hội thông qua một nghị quyết bác bỏ thỏa thuận Iran, các nghị sỹ Cộng hòa, dù hiện chiếm đa số tại cả hai viện, sẽ cần tới hàng chục lá phiếu ủng hộ từ phe Dân chủ để có thể "vô hiệu hóa" quyền phủ quyết của Tổng thống Obama. Theo đó, họ phải giành được ít nhất 2/3 số phiếu ủng hộ, cụ thể là 290 phiếu ủng hộ tại Hạ viện và 67 phiếu ủng hộ tại Thượng viện để vượt qua quyền phủ quyết của ông Obama.

Giới chức Israel kêu gọi Thủ tướng chấp nhận thỏa thuận hạt nhân

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, nhiều tướng lĩnh quân đội và quan chức an ninh cấp cao của Israel đã đồng thời lên tiếng kêu gọi Thủ tướng Benjamin Netanyahu từ bỏ lập trường chống thỏa thuận hạt nhân đạt được ngày 14/7 vừa qua giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) và chấp nhận thỏa thuận này.

Các tướng lĩnh và quan chức trên đã cùng ký vào một bản kiến nghị được công bố ngày 3/8, trong đó hối thúc Chính quyền Tel Aviv thực thi chính sách "khôi phục lòng tin và tăng cường hợp tác an ninh và ngoại giao với Chính phủ Mỹ".

Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu đã phát động một chiến dịch mạnh mẽ chống lại thỏa thuận hạt nhân Iran, coi đây là "một sai lầm lịch sử", đồng thời hối thúc Quốc hội Mỹ bác bỏ thỏa thuận này.

Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến trên trang web của Hội nghị Các chủ tịch của các Tổ chức Do Thái gốc Mỹ chính và Liên đoàn Do Thái của Bắc Mỹ, ông Netanyahu cho rằng thoả thuận hạt nhân sẽ mở đường cho Iran có được vũ khí hạt nhân, tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực.

TTXVN/Tin tức