06:13 05/06/2016

Mỹ nên làm gì để ngăn chặn Trung Quốc?

Mỹ cần đặt ra một vật cản đủ lớn trước Trung Quốc, và nếu vượt qua, Trung Quốc sẽ phải trả một cái giá rất đắt.

Hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuter/TTXVN

Đó là đề xuất được mạng tin "National Interest" đưa ra sau chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam và Nhật Bản. "National Interest" nhận định các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc đối đầu địa chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực trong tương lai.

Phân tích những diễn biến từ trước tới nay, những lo lắng của họ hoàn toàn có lý. Sự trỗi dậy của Trung Quốc cùng chiến lược “cắt lát salami” đang đe dọa vị trí lãnh đạo của Mỹ tại châu Á.

Mục tiêu của Trung Quốc rất đơn giản: thống trị châu Á-Thái Bình Dương, tránh đối đầu quân sự với Mỹ, từng bước vững chắc đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này. Để thực hiện chiến lược này, Bắc Kinh đã triển khai mô hình mà phương Tây gọi là “chống tiếp cận và xâm nhập khu vực” (A2/AD) với sự triển khai các hệ thống vũ khí bao trùm cả Biển Đông tới sát Indonesia.

Trung Quốc cũng cải tạo các cấu trúc trên biển, xây dựng trên đó các tiền đồn, triển khai các hệ thống vũ khí phòng không, phòng thủ biển cùng các máy bay chiến đấu.

Nếu Trung Quốc triển khai thêm những hệ thống tên lửa phòng không S-400 mới mua của Nga tại đây, sức mạnh của Trung Quốc tại khu vực không chỉ đủ để lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) mà còn đe dọa nghiêm trọng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại vùng biển này.

Trong tình hình đó, Mỹ sẽ phải đứng trước một lựa chọn khủng khiếp, đó là đối đầu, chấp nhận những tổn thất quân sự ngoài sức tưởng tượng, hoặc rút lui, nhường lại khu vực cho Trung Quốc, phá bỏ mạng lưới đồng minh trong khu vực.

Để ngăn chặn kịch bản đó diễn ra, đáng tiếc là Mỹ lại gặp phải rất nhiều cản trở, vừa khách quan vừa chủ quan. Về khách quan, trong khi Mỹ thực hiện chính sách tái cân bằng hướng về châu Á thì khủng hoảng Ukraine và sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã khiến kết quả của chính sách này không được như mong đợi.

Về chủ quan, những nỗ lực của Mỹ như chiến lược tăng cường hiện diện không quân, hải quân tại Biển Đông hay tuần tra vì tự do hàng hải (FONOP) không có tác động lâu dài nào, cũng như không thể ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Các tàu chiến, máy bay của Mỹ chỉ hiện diện tại Biển Đông vài ngày, nhưng các cấu trúc nhân tạo của Trung Quốc sẽ ở đây mãi mãi.

Trong bối cảnh đó, Mỹ cùng các nước đồng minh như Nhật Bản, Philippines cần một chiến lược tổng thể hơn để ngăn chặn hoặc chấm dứt hoàn toàn những nỗ lực thay đổi nguyên trạng của Trung Quốc. Mỹ cần đặt ra một vật cản đủ lớn trước Trung Quốc, và nếu vượt qua, Trung Quốc sẽ phải trả một cái giá rất đắt.

Mỹ nên tiến hành chiến thuật công khai làm xấu mặt Trung Quốc (Shamefare) vì những hành động bành trướng của nước này. Mỹ và các đồng minh, đối tác cần nỗ lực hết sức để thu thập những bằng chứng, tư liệu về các hành động của Trung Quốc và phổ biến khắp thế giới, nhất là thông qua các mạng xã hội.

Ví dụ, những hình ảnh cụ thể về các hành động hung hăng của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough năm 2012 hay quanh giàn khoan HD-981 năm 2014 nếu được đưa lên mạng xã hội sẽ có ảnh hưởng lớn tới hành vi của Trung Quốc.

Một mình “Shamefare” là chưa đủ, nó cần kết hợp với việc tăng cường hiện diện quân sự, tiếp tục FONOP, công khai thông tin về sự phá huỷ môi trường do các hoạt động cải tạo của Trung Quốc gây ra, tăng cường các vụ kiện Trung Quốc tại toà án quốc tế.

Chỉ một nước Mỹ tập trung toàn lực, sẵn sàng tiến hành những chiến lược mạnh mẽ mới có thể ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc. Một vài cuộc FONOP chắc chắn không đủ để thành công.

TTK