04:14 02/04/2014

Mỹ muốn rút Trung Á khỏi quỹ đạo hội nhập Á-Âu

Báo Độc lập (Nga) ngày 1/4 nhận định Trung Á có thể trở thành một đấu trường mới trong cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ.

Với đầu đề trên, Báo Độc lập (Nga) ngày 1/4 nhận định Trung Á có thể trở thành một đấu trường mới trong cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ.


Được biết, ngày 31/3, một "sứ giả" của Mỹ - bà Nisha Desai Bisval, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Nam và Trung Á, đã tới khu vực này trong chuyến thăm, với mục đích kép. Đó là thăm dò "tâm trạng" của Astana ngay trước thềm lễ ký các thỏa thuận thành lập Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAC) và của Bishkek trước khi gia nhập Liên minh Hải quan (TS). Chuyến thăm, theo lời bà "sứ giả" cũng là nhằm khẳng định sự quan tâm của Mỹ trong tiến trình hợp tác với Kazakhstan và Kyrgyzstan.

 

Các chuyên gia nhận định động thái này của Mỹ chứng tỏ Nhà Trắng sẽ "theo sát" tình hình Trung Á, sau khi đã trải qua thất bại ở Ukraine. Điều kiện thuận lợi cho mục đích của Mỹ là cả Kazakhstan và Kyrgyzstan đều bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ Ukraine. Điều đó đồng nghĩa việc hai quốc gia này không ủng hộ Nga.

 

Bà Nisha Desai Bisval.


Ông Azhdar Kurts, một chuyên gia Viện nghiên cứu chiến lược Nga, cho rằng "chủ đề chính trong chuyến thăm này của bà Nishi Desai Bisval là các vấn đề địa chính trị trong khu vực, có tính đến tình hình Ukraine".

 

Chương trình nghị sự của bà Desai Bisval tại Astana và Bishkek bao hàm nhiều vấn đề, trong đó trước hết chú trọng vị thế chính trị và kinh tế của Kazakhstan và Kyrgyzstan trong chính sách toàn cầu và khu vực, cũng như trong chiến lược khu vực Trung Á của Mỹ.         

 

Chuyên gia Trung Á và Trung Đông của Nga, ông Alexander Knyazev cho rằng tại Kazakhstan, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Nam và Trung Á sẽ tập trung vào hai vấn đề chính. Đó là sự tham gia của Astana tại Afghanistan và dự án vận chuyển dầu mỏ của Kazakhstan về phía Nam, đến Ấn Độ. Chuyên gia Alexander Knyazev nhận định với "bài học Ukraine", chắc chắn "Mỹ sẽ không từ bỏ mọi nỗ lực để giành giật Trung Á khỏi quỹ đạo hội nhập Á-Âu". Và câu hỏi sứ mệnh của bà Niche Bisval tại Astana có thành công hay không sẽ được trả lời ngay sau cuộc hội đàm của bà với Tổng thống nước chủ nhà Kazakhstan Nursultan Nazarbayev.

 

Bên cạnh đó, vấn đề định hướng lại xuất khẩu năng lượng cũng như đa dạng hóa nguồn năng lượng sẽ được chú trọng bàn thảo trong khuôn khổ chuyến thăm Kazakhstan. Vẽ lại "Bản đồ năng lượng châu Âu" đang là một trong những ưu tiên của Mỹ và Liên minh châu Âu, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga. Kazakhstan đương nhiên cũng là một trong những niềm hy vọng mà Mỹ và EU trông đợi.

 


Trong khi đó, tại Bishkek, trọng trách của bà Nishi Desai Bisval tuy không "nặng nề" như tại Astana, và các cuộc gặp gỡ cũng không phải với những nhân vật chính thức, mà chỉ là các "đại diện dân sự" và phe đối lập, song các nhà quan sát nhận định chuyến thăm này vẫn đóng vai trò quan trọng và không kém phần tế nhị.

 

Nếu lãnh đạo của Kazakhstan quản lý đất nước thành công một cách cơ động và đa phương, thì nội bộ ban lãnh đạo Kyrgyzstan lại tồn đọng những vấn đề khó dự đoán, luôn tiềm ẩn "quá trình chuyển đổi dân chủ", có thể dẫn đến thay đổi nội các.

 

Có lẽ đây là lý do để cả Mỹ và Nga không vội vã thực hiện các dự án tại Kyrgyzstan, dù là viện trợ quân sự hay xây dựng các nhà máy thủy điện. Có thể nói sứ mệnh của bà Nishi Desai Bisval tại Bishkek chỉ mang tính động viên tinh thần, dừng lại ở những lời hứa nhiều hơn là việc cụ thể hóa những lời nói ấy bằng những việc làm cụ thể.

 

 

Quế Anh