07:12 29/07/2015

Mỹ muốn lấy lại ảnh hưởng tại “lục địa Đen”

Tổng thống Mỹ Barack Obama, người con có gốc gác Kenya, muốn đặt dấu ấn riêng trong quan hệ Mỹ-Phi, điều ông chưa làm được trong gần 8 năm ngồi ở Nhà Trắng.

Khi thời gian tại nhiệm không còn nhiều, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định tới châu Phi để lấy lại ảnh hưởng ở “lục địa Đen”. Người con có gốc gác Kenya này muốn đặt dấu ấn riêng trong quan hệ Mỹ - Phi, điều ông chưa làm được trong gần 8 năm ngồi ở Nhà Trắng.

Chuyến công du đưa Tổng thống Obama lần lượt tới Kenya và Ethiopia trong các ngày từ 24 - 28/7. Đây là lần thứ 4 ông đến thăm châu Phi kể từ khi bước chân vào tòa Bạch Ốc năm 2009, nhiều hơn bất kỳ Tổng thống Mỹ nào, nhưng là lần đầu tiên trở về quê hương  Kenya và cũng là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên tới thăm quốc gia Đông Phi Ethiopia.

Chuyến thăm diễn ra đúng thời điểm cường quốc số một thế giới muốn lấy lại ảnh hưởng và tăng cường hơn nữa sự hiện diện tại “lục địa Đen” vốn lâu nay được Trung Quốc đặc biệt “quan tâm, săn đón”. Đây là lý do tại sao ông Obama đã chọn Kenya là điểm dừng chân đầu tiên. Chuyến thăm quê bao giờ cũng mang lại những tình cảm gần gũi, thân thiết, dễ dàng kéo các bên xích lại gần nhau và thu hút sự chú ý của công luận ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu quan trọng với người dân Kenya tại sân vận động Safaricom ở thủ đô Nairobi. Ảnh: AFP/TTXVN


Tại Kenya, bên cạnh những cam kết với nước chủ nhà về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, Tổng thống Obama đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh toàn cầu ở thủ đô Nairobi, trong đó ông khẳng định đầu tư và kinh doanh ở châu Phi sẽ góp phần phá vỡ những rào cản và xây dựng những nhịp cầu giữa các nền văn hoá. Theo ông, “lục địa Đen” đang chuyển mình mạnh mẽ và là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Để hỗ trợ châu Phi, nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra con số hơn 1 tỷ USD, trong đó có một nửa dành cho phụ nữ và những người trẻ tuổi muốn khởi sự kinh doanh.

Tại Ethiopia, quốc gia đông dân thứ hai châu Phi và là thành viên chủ chốt trong Liên minh châu Phi (AU), ông Obama cam kết Nhà Trắng sẽ tiếp tục ủng hộ Addis Ababa trong cuộc chiến chống các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan, trong đó có lực lượng Al- Shebab, đang gây bất ổn trong khu vực. Ông cũng khẳng định dù Ethiopia còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng điều đó không cản trở hai nước siết chặt hợp tác về an ninh và chính trị.

Trong thời gian ở Ethiopia, ông Obama cũng đã đến thăm trụ sở AU và trở thành nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên tới trụ sở của tổ chức gồm 54 thành viên này. Bên cạnh đó, ông còn có cuộc họp khẩn với các nhà lãnh đạo khu vực để tìm kiếm giải pháp cho cuộc nội chiến ngày càng tồi tệ ở quốc gia non trẻ Nam Sudan. Các nhà lãnh đạo nhất trí sẽ áp đặt trừng phạt và sử dụng “lực lượng can thiệp khu vực” nếu các bên xung đột ở Nam Sudan không đi đến một thỏa thuận hòa bình trước ngày 17/8 tới.

Người dân Kenya tụ tập đón đoàn xe của ông Obama đi ngang qua tại thủ đô Nairobi.


Theo các nhà phân tích quốc tế, với việc thực hiện chuyến thăm trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại của nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Obama không chỉ muốn tạo dựng dấu ấn riêng trong quan hệ Mỹ - Phi, mà còn thể hiện rõ bước đi tiếp theo trong chủ trương của Nhà Trắng nhằm can dự sâu hơn vào khu vực sau nhiều nằm bỏ lửng. Ngay trước thềm chuyến thăm, tối 22/7, ông Obama đã ký quyết định gia hạn 10 năm Đạo luật tăng trưởng và cơ hội cho châu Phi, nơi mà ông nhận định “có tiềm năng trở thành tâm điểm tiếp theo của phát triển kinh tế toàn cầu”.

Theo số liệu thống kê, trao đổi thương mại giữa Mỹ và châu Phi trong năm 2014 đạt 73 tỷ USD, trong đó Mỹ xuất khẩu 38 tỷ USD và nhập khẩu 35 tỷ USD. Với việc thực thi Đạo luật trên, chính quyền Obama kỳ vọng sẽ khơi dậy tiềm năng phát triển và hợp tác to lớn ở “lục địa Đen”, đồng thời từng bước làm giảm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ Đạo luật nằm ở tiểu vùng Sahara, chủ yếu do được miễn thuế xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Tuy nhiên trong thời gian tới, dù giao thương Mỹ - Phi có tăng nhanh đến đâu thì trước mắt vẫn chưa thể “đọ” được với Trung Quốc. Hiện kim ngạch thương mại Trung Quốc - châu Phi là 200 tỷ USD, gấp 3 lần thương mại giữa Mỹ và châu Phi. Đó là chưa kể tới các khoản cam kết hỗ trợ hàng chục tỷ USD, cùng hàng trăm dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và khai thác năng lượng đã được các doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt triển khai từ hàng chục năm nay. Vì vậy, việc cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở “lục địa Đen” đang được coi là bài toán hóc búa đối với chính quyền Mỹ, nhất là trong bối cảnh ông Obama chỉ còn hơn một năm tại nhiệm và lưỡng viện Quốc hội đều đang thuộc sự kiểm soát của đảng Cộng hòa đối lập.

Vũ Hà