02:20 15/02/2017

Mỹ lựa chọn gắn kết với châu Á

Trong tuần qua, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những bước đi cụ thể, thể hiện rõ ràng sự quan tâm đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chỉ trong vòng 24 giờ, ông Trump đã lần lượt viết thư chúc Tết (ngày 8/2) rồi điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ngày 9/2) và có cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (ngày 10/2) - hai “trục” trung tâm trong chính sách châu Á của Mỹ.

Nỗ lực cải thiện quan hệ Trung - Mỹ

Sau một loạt động thái được xem là “chọc giận Trung Quốc” của Tổng thống Trump như: tuyên bố áp thuế cao đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc; điện đàm trực tiếp với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn; cam kết ngăn chặn Trung Quốc chiếm giữ các đảo trên Biển Đông... , giới chuyên gia cảnh báo rằng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh mậu dịch hoặc thậm chí cả xung đột vũ trang.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp thượng đỉnh chính thức đầu tiên với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) tại Nhà Trắng.

Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng đã chủ động làm tan băng quan hệ với Trung Quốc bằng việc gửi thư chúc tết và điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình. Cuộc điện đàm được Nhà Trắng mô tả là “hết sức thân mật và chân thành” với cam kết của Tổng thống Trump về việc tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc”. Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí duy trì liên hệ chặt chẽ để kịp thời trao đổi những vấn đề hai bên cùng quan tâm, tăng cường giao lưu hợp tác trong mọi lĩnh vực, đồng thời mong sớm tổ chức được hội đàm cấp nguyên thủ giữa hai bên.

Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh đánh giá cao việc Tổng thống Mỹ tuân thủ quy tắc ngoại giao “Một Trung Quốc” giữa Trung Quốc và Đài Loan (theo đó coi Đài Loan là một tỉnh ly khai của Trung Quốc). Ông đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng “Mỹ và Trung Quốc là đối tác hợp tác, cùng nỗ lực để đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới và điều ấy sẽ tốt cho cả hai”.


Trên thực tế, mối quan hệ Trung - Mỹ vốn được xem là trụ cột trên bàn cờ chính trị thế giới, nhưng lại đang đứng trước ngã rẽ đầy bấp bênh. Bắc Kinh đang hành động quyết đoán hơn nhằm xác định vị thế nước lớn tại châu Á, trong khi Washington tiến hành đánh giá lại cách tiếp cận đối với Bắc Kinh và châu Á theo hướng có thể làm thay đổi chiến lược căn bản mà các đời tổng thống Mỹ đã theo đuổi trong nhiều thập niên qua. Trong bối cảnh đó, bất kỳ một động thái quá đà nào cũng có nguy cơ thổi bùng một cuộc xung đột Mỹ - Trung, phương hại lợi ích của cả hai nước và thậm chí còn làm rối loạn cả thế giới, đặc biệt là tại châu Á - Thái Bình Dương, nơi các quốc gia có quan hệ chặt chẽ với cả Mỹ và Trung Quốc.


Theo nguyên Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Winston Lord, “không quốc gia nào muốn buộc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Do đó, thách thức đối với Mỹ là phải tạo ra được sự hiện diện mạnh mẽ và lâu dài ở châu Á để giúp các đồng minh và bạn bè bảo vệ những lợi ích chính đáng của mình, đồng thời duy trì hòa bình trong khu vực, song không bị cuốn vào trạng thái đối đầu thù địch với Trung Quốc”.


Cam kết bảo vệ Nhật Bản


Chỉ vài giờ sau cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ đã tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh chính thức đầu tiên với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Nhà Trắng, trong đó hai bên khẳng định quyết tâm mạnh mẽ nâng quan hệ hợp tác kinh tế, đồng minh song phương lên một tầm cao mới.


Trong bối cảnh Tổng thống Trump cuối tháng trước đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tại cuộc hội nghị thượng đỉnh này, Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí sẽ thảo luận về một khuôn khổ hợp tác thương mại song phương mới, đôi bên cùng có lợi.


Cả Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe đều nhất trí rằng Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong mối quan hệ đồng minh giữa hai nước. Ông Trump khẳng định quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật đóng vai trò nền tảng đối với hòa bình và ổn định tại khu vực Thái Bình Dương.


Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự biển dựa trên luật pháp quốc tế bao gồm tự do hàng hải và các tự do trên biển hợp pháp khác. Đồng thời, phản đối mạnh mẽ những chủ trương uy hiếp, cưỡng chế, bạo lực xâm hại tới biển. Đặc biệt, hai bên đã yêu cầu các bên liên quan tránh hành động gây căng thẳng bao gồm quân sự hóa ở khu vực Biển Đông, yêu cầu hành xử dựa trên luật pháp quốc tế.


Tổng thống Trump tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Nhật Bản, đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á, bằng cả sức mạnh quân sự truyền thống lẫn năng lực hạt nhân. Ông nhấn mạnh quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật là nền tảng cho hòa bình và ổn định khu vực: “Mối quan hệ giữa hai nước chúng ta và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước là vô cùng sâu sắc. Chính quyền mới cam kết sẽ đưa mối quan hệ này thậm chí còn khăng khít hơn nữa”. Để trấn an đồng minh Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Trump khẳng định việc quan hệ Mỹ - Trung được cải thiện không phải là mối đe dọa đối với Nhật Bản.


Những cuộc trao đổi trực tiếp với các nhà lãnh đạo hàng đầu của châu Á cho thấy khu vực này sẽ là một trong những trọng tâm hàng đầu của chính quyền mới tại Washington. Giới chuyên gia nhận định, trọng tâm hướng về châu Á sẽ có lợi cho vị tân chủ nhân Nhà Trắng, đồng thời có tác dụng hiện thực hóa mong muốn tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Một nước Mỹ muốn vĩ đại không thể bỏ qua châu Á. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn là một chặng đường dài và Donald Trump là vị tổng thống chưa từng có trong tiền lệ lịch sử nước Mỹ, một vị tổng thống khó đoán định nhất trong các đời tổng thống.


Thanh Phương