04:13 02/04/2014

Mỹ Latinh giảm nghèo nhưng bất bình đẳng vẫn cao

Phó chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) phụ trách Mỹ Latinh và Caribe Hasan Tuluy khẳng định khu vực này đã giảm đáng kể tỷ lệ nghèo khổ trong thập kỷ qua, cho phép tầng lớp trung lưu đông hơn người nghèo, tuy nhiên tình trạng bất bình đẳng tại đây vẫn rất cao.

Phó chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) phụ trách Mỹ Latinh và Caribe Hasan Tuluy khẳng định khu vực này đã giảm đáng kể tỷ lệ nghèo khổ trong thập kỷ qua, cho phép tầng lớp trung lưu đông hơn người nghèo, tuy nhiên tình trạng bất bình đẳng tại đây vẫn rất cao.


Phát biểu với báo giới khi tham dự hội nghị thường niên mới đây của Ngân hàng phát triển liên Mỹ (IADB) tại Costa do Sauípe (Brazil), ông Tuluy cho biết hiện tại tầng lớp trung lưu chiếm 32% dân số Mỹ Latinh và Caribe, trong khi người nghèo chiếm 30%.


Tuy nhiên, các tỷ lệ trên bấp bênh vì có rất đông người thuộc nhóm “dễ bị tổn thương” có thể được “thăng hạng” lên trung lưu hoặc rơi xuống nhóm người nghèo.

Ông Hasan Tuluy. Ảnh: WB


Theo tiêu chuẩn của WB, tầng lớp trung lưu có thu nhập từ 10-50 USD/ngày/người, người nghèo có thu nhập từ 0-4 USD và những người “dễ bị tổn thương” nằm giữa hai khoảng thu nhập trên.


Ông Tuluy cho hay trong thành tích giảm nghèo của Mỹ Latinh và Caribe, 2/3 nguyên nhân là do kinh tế tăng trưởng và thị trường lao động được cải thiện, và 1/3 là nhờ các chương trình phân phối thu nhập xã hội.


Ngoài thành tích giảm nghèo, Mỹ Latinh và Caribe đã giảm bất bình đẳng, tuy nhiên theo quan chức này, hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo vẫn rất lớn. Uruguay là nước ít bất bình đẳng nhất tại khu vực này nhưng có chỉ số bất bình đẳng bằng Thổ Nhĩ Kỳ, nước bất bình đẳng nhất tại châu Âu.


Ông cho rằng kinh tế Mỹ Latinh và Caribe sẽ bị giảm tốc trong năm nay sau quyết định của Cục dự trữ liên bang Mỹ ngừng các biện pháp kích thích kinh tế, và khả năng Trung Quốc giảm tốc độ tăng trưởng.


Tuy nhiên, ông Tuluy khẳng định Mỹ Latinh có thế đứng vững chắc hơn cách đây 15-20 năm để ứng phó với tác động tiêu cực từ việc kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại.



Quang Sơn (Phóng viên TTXVN tại Argentina)