03:22 23/03/2011

Mỹ Latinh bắt đầu "chán" Obama

Trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đang thăm một số nước Mỹ Latinh, báo “Người Bảo vệ” (Anh) ngày 22/3 đã đăng bài phân tích cho rằng các nước Mỹ Latinh bắt đầu thờ ơ với hình ảnh của ông Obama, trong bối cảnh ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực đã suy giảm.

Trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đang thăm một số nước Mỹ Latinh, báo “Người Bảo vệ” (Anh) ngày 22/3 đã đăng bài phân tích cho rằng các nước Mỹ Latinh bắt đầu thờ ơ với hình ảnh của ông Obama, trong bối cảnh ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực đã suy giảm.

Sinh viên En Xanvađo biểu tình phản đối chuyến thăm của Tổng thống B. Obama ở thủ đô Xăn Xanvađô ngày 22/3.


Khi ông Obama giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008, một làn sóng phấn khích đã xuất hiện khắp Mỹ Latinh. Tuy nhiên, trước khi ông Obama khởi hành chuyến công du khu vực, tình hình đã thay đổi. Mặc dù thái độ vỡ mộng và thù ghét Mỹ ở Mỹ Latinh không lớn như dưới thời cựu Tổng thống G. W. Bush, nhưng chúng đã bắt đầu xuất hiện trong năm qua. Thái độ chống Mỹ đã hồi sinh khắp khu vực.

Trong chặng dừng chân đầu tiên ở Braxin, Tổng thống Obama đã bị biểu tình. Bài phát biểu mà ông dự kiến đọc tại một quảng trường ngoài trời đã bị buộc phải chuyển vào trình bày trong một nhà hát. Phong trào Công nhân Không đất và các đồng minh đã gọi Obama là “người không được chào đón”. Đảng Công nhân cầm quyền cấm các thành viên của đảng biểu tình, nhưng nhiều người đã phớt lờ. Ngoài ra, có một điểm đáng chú ý là khi kết thúc nhiệm kỳ, cựu Tổng thống Braxin Luiz Inacio Lula da Silva - từng hoan nghênh việc Obama nhậm chức – đã tuyên bố Mỹ vẫn hành động như một đế chế dưới thời Obama.

Khi lên làm tổng thống, ông Obama hứa sẽ thúc đẩy một kỷ nguyên mới trong thái độ của Mỹ đối với Mỹ Latinh. Ông đề nghị tăng cường đối thoại và đàm phán về các lợi ích chung với các nước khu vực như là những “đối tác bình đẳng”. Việc đối thoại sẽ tiến hành với mọi quốc gia, kể cả các thể chế đối chọi với Mỹ. Tuy nhiên, những lời hứa đó đã biến mất. Cuộc đảo chính ở Ônđurát lật đổ Tổng thống Rafael Zelaya và việc Mỹ mở căn cứ quân sự ở Côlômbia đã phá hoại hình ảnh của ông Obama.

Sự thiếu nhiệt tình nối lại quan hệ với Cuba, việc trục xuất đại sứ Vênêxuêla tại Oasinhtơn và vụ Braxin phản đối Mỹ tăng cường cấm vận Iran càng làm xấu thêm quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và khu vực. Cách đây vài ngày, Braxin đã bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Liên hợp quốc cho phép can thiệp quân sự vào Libi. Sự bất đồng về vòng đàm phán thương mại Doha và vấn đề Haiti cũng gây sứt mẻ quan hệ giữa hai bên.

Chuyến thăm Mỹ Latinh của Tổng thống Obama diễn ra trong bối cảnh ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực bị suy giảm. Các nước phản đối chính sách “Đồng thuận Oasinhtơn” đã lánh xa Nhà Trắng và thậm chí còn phản đối một số vấn đề.

Nhiều chương trình cải cách kinh tế, xã hội và quan hệ ngoại giao của họ đã bị Mỹ phản đối. Cùng lúc, sự hiện diện của Trung Quốc, Iran và Nga trong khu vực lại gia tăng. Các nước này đã tiến hành một cuộc tấn công ngoại giao mạnh mẽ và có nhiều hoạt động đầu tư lớn. Cơn khát nguyên liệu thô và năng lượng của “con rồng châu Á” đang ngày càng được thỏa mãn ở Nam Mỹ. Các dự án đầu tư của Bắc Kinh tập trung vào khai thác đồng, dầu mỏ, quặng sắt và phát triển giao thông. Nhiều dự án đầu tư mới đây được thực hiện thông qua các liên minh chiến lược và các thỏa thuận hợp tác do chính phủ hai bên ủng hộ. Kể từ năm 2009, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ Latinh và là đối tác lớn nhất của Braxin, thế chỗ của Mỹ. Pêru là địa chỉ thu hút đầu tư lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực, trong khi Bắc Kinh cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Pêru, sau Mỹ.

Quan hệ ngày càng khăng khít của Iran với Mỹ Latinh cũng là mối lo đối với Mỹ. Vấn đề này thường xuyên được thảo luận tại Quốc hội Mỹ. Kể từ khi lên nắm quyền năm 2005, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã xuất hiện ở Mỹ Latinh nhiều hơn hai Tổng thống Mỹ G.W. Bush và Obama. Ông Ahmadinejad tìm sự ủng hộ của Mỹ Latinh để chống lại sức ép của Mỹ đối với nỗ lực phát triển hạt nhân của Iran và đã thành công.

Sau khi bận giải quyết các cuộc khủng hoảng ở những nơi khác, một trong những mục tiêu chính trong chuyến công du Mỹ Latinh của ông Obama là ngăn chặn sự suy giảm vị thế của Mỹ và tìm kiếm thêm đồng minh. Tổng thống Obama lo sợ ảnh hưởng của Iran và Trung Quốc trong khu vực, cũng như muốn “lập lại trật tự” ở "sân sau" của Mỹ. Nhưng không giống những người tiền nhiệm, ông không có một kế hoạch cụ thể cho Mỹ Latinh. Vì vậy, Obama sẽ tập trung thúc đẩy thương mại và đầu tư, giải quyết vấn nạn buôn bán ma túy và kêu gọi ủng hộ cho các mục tiêu toàn cầu của Oasinhtơn.

Trong những năm qua, mối quan hệ giữa Nhà Trắng và Mỹ Latinh gặp nhiều thách thức to lớn. Chính sách ngoại giao của Oasinhtơn không thể thay đổi được tình hình. Sứ mệnh của Tổng thống Obama trong việc lập lại trật tự ở "sân sau" của Mỹ là rất khó khăn.

Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)