03:21 03/03/2021

Mỹ lãng phí hàng tỉ USD cho những công trình 'đắp chiếu' ở Afghanistan

Mỹ đã rót nhiều tỉ USD để xây dựng đủ thứ ở Afghanistan, nhưng hầu hết chúng không được sử dụng, bỏ dở hoặc dùng sai mục đích.

Chú thích ảnh
Ảnh tư liệu - kỹ sư Mỹ đang làm việc trước cửa trụ sở Bộ Quốc phòng Afghanistan, do Washington cấp vốn xây dựng, ở thủ đô Kabul. Ảnh: AP

Kể từ năm 2008, một loạt cơ quan chính phủ Mỹ đã xây dựng hoặc mua sắm gần 7,8 tỉ USD tài sản vốn ở Afghanistan.

Theo trang Diplomat, Tổng thanh tra Đặc biệt Tái thiết Afghanistan (SIGAR) đã phát hiện khoảng 30% (tương đương 2,4 tỉ USD) các tài sản trên không được sử dụng, bị bỏ hoang, không sử dụng đúng mục đích, hoặc đã bị phá hủy; chỉ khoảng 15% (1,2 tỉ USD) được dùng đúng mục đích và 4% được duy trì trong tình trạng tốt. Tình trạng của số tài sản còn lại vẫn chưa rõ, theo báo cáo của SIGAR.

“Báo cáo của SIGAR cho thấy mô hình các cơ quan Mỹ đổ quá nhiều tiền, quá nhanh, vào một quốc gia quá nhỏ để hấp thụ nó”, Tổng thanh tra đặc biệt John F. Sopko nói.

Bản báo cáo của SIGAR được thực hiện theo yêu cầu của Chủ tịch Tiểu ban Cải cách và giám sát An ninh quốc gia thuộc Hạ viện, nhằm thống kê các tài sản vốn mà chính phủ Mỹ đã xây dựng, cấp kinh phí hoặc trợ cấp tại Afghanistan.

Ông Sopko nói: “Thực tế là quá nhiều tài sản vốn không được sử dụng, xuống cấp hoặc bị bỏ không là nguyên nhân chính gây lo ngại với những cơ quan cấp vốn cho các dự án này”.

Phần lớn các tài sản vốn nói trên được cấp kinh phí từ Bộ Quốc phòng Mỹ (6,5 tỉ USD), bởi USAID (1,1 tỉ USD), Tập đoàn Đầu tư Cá nhân hải ngoại (84,8 triệu USD) và Bộ Ngoại giao Mỹ (79 triệu USD)

Chú thích ảnh
Một nông dân Afghanistan đứng bên ngoài căn nhà trong dự án của USAID (Mỹ) tại tỉnh Parwan. Ảnh: Reuters

SIGAR đã lựa chọn mẫu gồm 60 dự án để đánh giá, sau đó xác định có 37/60 dự án đang được sử dụng đúng mục đích. 10 dự án khác sử dụng không đúng mục đích, 9 dự án bị bỏ không; 3 dự án vẫn đang dở dang; và tình trạng của một dự án được giữ bí mật. 50 trong số 60 dự án trên đã bị xuống cấp kể từ lần cuối cùng được đánh giá.

Các dự án nói trên gồm đủ loại, từ bệnh viện cho đến các cơ sở quân sự. Chẳng hạn, bệnh viện Salang 20 giường ở tỉnh Parwan (chi phí gần 600.000 USD) được sử dụng không đúng mục đích, hiện trạng đã mất cửa, vỡ đường ống, nứt tường. Một cây cầu cho người đi bộ ở tỉnh Laghman (gần 90.000 USD) bị hư hỏng nghiêm trọng vào năm 2010 và đã bị nước lụt cuốn trôi vào tháng 5/2020.

Các tài sản vốn tốn kém nhất trong danh sách có Nhà máy điện Tarakhil, được xây dựng nhờ nguồn vốn của USAID (335 triệu USD). SIGAR phát hiện nơi này không được sử dụng đúng mục đích và đã bị xuống cấp.

Một tài sản đắt giá khác là Trung tâm Huấn luyện cảnh sát quốc gia Wardak, chi phí trên 98 triệu USD, vẫn đang được sử dụng nhưng xuống cấp nặng. Quan chức Afghanistan cho biết cơ sở này rơi vào tình trạng xuống cấp vì không ai chịu trách nhiệm bảo trì.

Trong phần tóm tắt của báo cáo, SIGAR lưu ý rằng "Hầu hết các tài sản vốn không được sử dụng đúng cách hoặc bị hư hỏng, bỏ hoang có liên quan trực tiếp đến việc các cơ quan chính phủ Mỹ không cân nhắc liệu người Afghanistan có muốn hay cần các cơ sở đó, hoặc liệu chính phủ Afghanistan có năng lực tài chính và kỹ thuật để duy trì chúng hay không”.

Ông Sopko nhận xét bài học từ báo cáo đánh giá nói trên có hai mặt. Nếu Mỹ chi trả cho tái thiết hoặc phát triển tại Afghanistan hoặc bất cứ đâu trên thế giới thì trước hết cần chắc chắn rằng người nhận muốn nó, cần nó và có thể duy trì nó. Thứ hai, cần chắc chắn rằng trước khi chi tiền, phải có sự giám sát thích đáng để ngăn chặn kiểu lãng phí này.

Có thể dự đoán được mức độ xuống cấp nhất định, dựa trên thực tế chiến tranh ở Afghanistan. Từ 60 dự án được chọn để đánh giá, có thể hình dung những thứ mà Afghanistan có thể sử dụng nhiều hơn - như bệnh viện, trường học, cầu đường - nhưng không nhất thiết là những tài sản mà người Afghanistan cần và quan trọng nhất là họ có thể duy trì. Một con đường mới trải nhựa chỉ là món quà may mắn cho đến khi nó chỉ còn là những vết nứt và ổ gà.

Thu Hằng/Báo Tin tức