Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington kỳ vọng sẽ sớm bắt đầu đối thoại với Nga nhằm thảo luận về triển vọng giải trừ vũ khí hạt nhân trong thời gian tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS, ông Trump khẳng định Mỹ và Nga đã bắt đầu thảo luận về khả năng đạt được một thỏa thuận mới nhằm thay thế Hiệp ước Cắt giảm và Giới hạn vũ khí tấn công chiến lược (New START).
“Đây không phải là một hiệp ước mà chúng ta muốn để nó hết hiệu lực. Chúng tôi đã bắt đầu thảo luận về vấn đề này”, Tổng thống Mỹ phát biểu trước truyền thông tại Nhà Trắng.
Ông nhấn mạnh đây là vấn đề mang tính toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh hiệp ước New START sắp hết hạn.
“Khi các giới hạn về vũ khí hạt nhân bị xóa bỏ, hậu quả có thể rất nghiêm trọng”, ông cảnh báo.
Khi được nhắc lại rằng từng kêu gọi Mỹ và Nga cùng cắt giảm kho vũ khí hạt nhân, Tổng thống Trump tái khẳng định mong muốn điều đó sớm trở thành hiện thực.
Hiệp ước New START là thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Nga, nhằm cắt giảm kho vũ khí hạt nhân chiến lược của hai cường quốc. Theo nội dung hiệp ước, trong vòng 7 năm kể từ khi có hiệu lực và duy trì sau đó, mỗi bên chỉ được triển khai tối đa 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng.
Tổng số đầu đạn hạt nhân gắn trên các phương tiện này bị giới hạn ở mức 1.550 đơn vị. Ngoài ra, tổng số bệ phóng (triển khai và không triển khai) cũng không vượt quá 800 đơn vị.
Hiệp ước có thời hạn ban đầu 10 năm, kết thúc vào ngày 5/2/2021, với điều khoản cho phép gia hạn thêm tối đa 5 năm nếu cả hai bên đồng thuận. Tháng 2/2021, Mỹ và Nga đã thống nhất kéo dài hiệu lực hiệp ước đến năm 2026. Giới chức Nga khi đó gọi New START là "tiêu chuẩn vàng" trong các nỗ lực toàn cầu về giải trừ vũ khí hạt nhân.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1, Tổng thống Trump nhiều lần bày tỏ mong muốn tổ chức đối thoại với lãnh đạo Nga và Trung Quốc nhằm thúc đẩy tiến trình cắt giảm và kiểm soát vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, đến nay ông vẫn chưa đưa ra đề xuất cụ thể nào.
Một trong những vấn đề cốt lõi cần được Washington và Moskva sớm thảo luận là khả năng xây dựng một hiệp ước mới thay thế New START, vốn sẽ hết hiệu lực vào đầu năm 2026.