08:05 02/08/2011

Mỹ không chắc thắng trong cuộc chiến ở Ápganixtan

Đối diện với cuộc chiến ở Ápganixtan hao tiền tốn của, gần 70% người Mỹ cho rằng “cuộc chiến ở Ápganixtan không đáng để tiếp tục”. Báo Văn hối của Hồng Công (Trung Quốc) số ra ngày 31/7/2011 cho rằng, mặc dù Nhà Trắng nhiều lần tuyên bố về thắng lợi của quân đội Mỹ ở Ápganixtan.

Đối diện với cuộc chiến ở Ápganixtan hao tiền tốn của, gần 70% người Mỹ cho rằng “cuộc chiến ở Ápganixtan không đáng để tiếp tục”. Báo Văn hối của Hồng Công (Trung Quốc) số ra ngày 31/7/2011 cho rằng, mặc dù Nhà Trắng nhiều lần tuyên bố về thắng lợi của quân đội Mỹ ở Ápganixtan, song thực tế việc quân đội Mỹ tiến hành “đàm phán” với Taliban lại cho thế giới thấy rằng “Mỹ không hề tính đến chiến thắng” trong cuộc chiến ở đất nước Nam Á này.

Xe quân sự Mỹ tuần tra tại huyện Arghandab, sào huyệt cũ của Taliban ở miền nam Ápganixtan, ngày 28/7. THX/TTXVN


Theo tờ Văn hối, dù trong bất kỳ thời khắc nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Mỹ đều không thừa nhận thất bại trong cuộc chiến ở Ápganixtan. Kế hoạch “rút quân” mà Tổng thống Mỹ Barack Obama gần đây phát biểu trước Quốc hội lại hoàn toàn khác với những cam kết của ông trước đây 2 năm. Khi tăng 33.000 quân cho chiến trường Ápganixtan vào năm 2009, Tổng thống Obama từng bảo đảm rằng sẽ rút số quân này sau 18 tháng, song đến tháng 7 vừa qua, số binh sĩ Mỹ rời khỏi Ápganixtan chỉ có khoảng 10.000 người, ít hơn nhiều so với kế hoạch. Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Obama vẫn lớn tiếng ca ngợi “binh sĩ Mỹ tại Ápganixtan đã giáng những đòn mạnh mẽ vào thế lực Taliban, kiểm soát được các căn cứ của chúng, làm cho Ápganixtan ngày càng ổn định hơn”, song ông cũng không thể không thừa nhận rằng “quân đội Mỹ ở Ápganixtan đang phải đối mặt với những thách thức to lớn”.

Mới đây, Tổng thống Ápganixtan Hamid Karzai đã tiết lộ việc quân đội Mỹ tiến hành “đàm phán” chính thức với Taliban. Sau vụ việc này, Đại sứ Mỹ tại Ápganixtan Karl Eikenberry đã chỉ trích ông Karzai rằng ông không biết “giữ mồm”. Dư luận không khỏi đặt câu hỏi: Nếu Mỹ không phải là bên chiến bại thì đâu cần (và cũng sẽ không bao giờ) tiến hành “đàm phán” dưới bất cứ hình thức nào với Taliban, đối thủ của quân đội Mỹ trong cuộc chiến ở Ápganixtan.

Theo tiết lộ của báo chí phương Tây, Mỹ đã thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp với những tay chân thân tín của thủ lĩnh Taliban Mullah Omar và đã tiến hành ít nhất 3 cuộc đàm phán với Taliban, lần đầu tiên ở Cata và hai lần sau ở Đức. Đại diện phía Mỹ tham gia đàm phán với Taliban là các quan chức chính phủ và cơ quan tình báo, trong khi đại diện cho Taliban là một thân tín của Omar. Các quan chức quân sự tham gia đàm phán cho biết, vấn đề lớn nhất hiện nay không phải là “có cần đàm phán hay không”, mà là “đàm phán như thế nào”, “làm thế nào để tiến hành đàm phán mang tính thực chất với kẻ thù”. Mỹ xưa nay thường che giấu các cuộc đàm phán, song nay không thể không nói ra, điều này cho thấy “đàm phán” đã trở thành lựa chọn tất yếu mà quân đội Mỹ đang tìm kiếm để thoát khỏi vũng lầy cuộc chiến ở Ápganixtan.

Tổng thống Karzai cho biết, chính phủ Ápganixtan hồi năm ngoái từng tiếp xúc với Taliban, hy vọng lực lượng này tham gia xây dựng chính phủ mới. Tuy nhiên, Taliban lấy việc rút quân đội nước ngoài khỏi Ápganixtan làm điều kiện, từ chối đề xuất hòa giải mà chính phủ đưa ra, đồng thời bày tỏ không muốn đàm phán cùng “quân xâm lược”.

Quân đội Mỹ đồn trú tại Ápganixtan hiện đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan đầy khó khăn, cuộc chiến kéo dài đã 10 năm mà vẫn chưa giành chiến thắng, trong khi việc đàm phán với Taliban đồng nghĩa với việc tuyên bố với toàn thế giới rằng quân đội Mỹ đã thất bại.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng từng xác nhận rằng, quân đội Mỹ đã tiến hành đàm phán với Taliban. Tuy nhiên, chỉ huy quân đội Mỹ tại Ápganixtan lại cho rằng “rút quân sẽ tạo cơ hội cho Taliban lớn mạnh và tình hình Ápganixtan sẽ trở nên đáng lo ngại hơn”.

Theo tờ Văn hối, đàm phán là “phương án tốt” mà các chuyên gia về các vấn đề quốc tế đưa ra đối với Oasinhtơn trong việc giải quyết vấn đề Ápganixtan, chỉ có điều phương án này đồng nghĩa với việc Mỹ thừa nhận không giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, đã đến lúc Mỹ cần nghiêm túc nhìn nhận thực tế này.

Phan Thành Dương (P/v TTXVN tại Hồng Công)