03:11 31/03/2012

Mỹ không cấm chất BPA trong bình sữa trẻ em

Cục quản lý dược và thực phẩm Mỹ (FDA) đã từ chối đơn kiến nghị cấm chất bispheno-A (BPA) trong sản xuất mọi loại bao bì, hộp đựng thực phẩm, trong đó có cả bình sữa nhựa và hộp đựng thức ăn sẵn.

Cục quản lý dược và thực phẩm Mỹ (FDA) đã từ chối đơn kiến nghị cấm chất bispheno-A (BPA) trong sản xuất mọi loại bao bì, hộp đựng thực phẩm, trong đó có cả bình sữa nhựa và hộp đựng thức ăn sẵn.

Bình nước gắn nhãn "không chứa BPA". Ảnh: Internet


FDA ngày 31/3 cho biết, đơn kiến nghị của Hội đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (NRDC) không có bằng chứng khoa học thuyết phục về sự nguy hại của loại hóa chất này. BPA là hóa chất làm cứng sản phẩm nhựa, có mặt trong mọi thứ từ đĩa CD đến thực phẩm đóng hộp và chất trám răng.

Khoảng 90% người Mỹ có BPA trong cơ thể, chủ yếu do chất này thấm vào thực phẩm từ hộp đựng. Một số nhà khoa học cho rằng chất BPA có thể có hại đối với hệ sinh sản và thần kinh, dẫn tới bệnh ung thư và một số bệnh khác, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Kết quả này được chứng minh bằng hàng chục thí nghiệm trên chuột và các động vật khác.

Tuy nhiên, FDA cho rằng kết quả này không thể áp dụng đối với con người. FDA cho rằng cơ thể con người chuyển hóa và loại bỏ BPA nhanh hơn nhiều so với chuột và các con vật khác.

NRDC kiến nghị FDA cấm dùng BPA làm phụ gia thực phẩm từ năm 2008, kể cả sử dụng trong sản xuất bao bì, đồ đựng thực phẩm. Nhà khoa học vì sức khỏe cộng đồng thuộc NRDC, tiến sĩ Sarah Janssen cho rằng FDA chậm một bước so với các nghiên cứu y học và khoa học.

Chính phủ Mỹ vẫn đang chi khoảng 30 triệu USD để nghiên cứu thêm về ảnh hưởng của BPA với sức khỏe con người.

Trong khi đó, nhiều công ty đã đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng bằng cách loại bỏ BPA ra khỏi sản phẩm của mình. Năm 2008, các cửa hàng Wal-Mart và Toys “R” Us đã loại bỏ các sản phẩm như bình sữa, cốc chén và các vật dụng dùng cho trẻ sơ sinh có chứa BPA. Từ cuối năm 2009, 6 nhà sản xuất bình sữa hàng đầu ở Mỹ đã không dùng BPA.

Trong khi trẻ lớn và người trưởng thành có thể nhanh chóng thải BPA thông qua thận thì trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể lưu chất này trong cơ thể lâu hơn.

Thùy Dương