11:07 22/11/2016

Mỹ "khó chịu" với tên lửa ở Kaliningrad của Nga

Ngày 21/11, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố việc Nga triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 và tên lửa đạn đạo Iskander tại vùng lãnh thổ Kaliningrad thuộc Nga "đang gây bất ổn định đến an ninh của châu Âu".

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumf của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nhấn mạnh: "Nga đã tạo ra mối đe dọa khi điều động các tên lửa Iskander tới Kaliningrad trong thập kỷ qua để phản ứng với diễn biến ở châu Âu, mà không sự kiện nào đòi hỏi phải có một động thái quân sự như vậy. Chúng tôi kêu gọi Nga kiềm chế trong lời nói hay hành động, vốn không phù hợp với mục tiêu thúc đẩy an ninh và ổn định".

Trước đó cùng ngày, hãng thông tấn RIA dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng tại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Viktor Ozerov tuyên bố Moskva sẽ buộc phải triển khai các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 và tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới Kaliningrad để đáp trả việc Mỹ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ở Đông Âu.

NATO kiên định duy trì cách tiếp cận hai hướng đối với Nga

Trong diễn biến liên quan, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 21/11 đã kiên định với cách tiếp cận hai hướng với Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo sau hội nghị Hội đồng NATO ở Brussels, Bỉ ngày 27/10. Ảnh: AP/TTXVN

Phát biểu tại phiên họp thường niên lần thứ 62 của Đại hội đồng Nghị viện NATO ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), ông Stoltenberg nói: "Tăng cường phòng thủ sẽ đi đôi với đối thoại xây dựng".

Ngoài ra, Tổng Thư ký Jens Stoltenberg cũng cam kết sẽ mở rộng năng lực phòng thủ tập thể của khối quân sự này với các đồng minh mới trước những mối đe dọa hiện nay. Ông nói: "Chúng ta đang chứng minh rằng chúng ta có thể chung sức thực hiện thông điệp chính của liên minh là phòng thủ tập thể và sẵn sàng bảo vệ lẫn nhau".

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Stoltenberg cũng đề cập rằng NATO đang cân nhắc thúc đẩy khả năng phòng thủ tập thể của khối này, duy trì ổn định, tăng cường hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) và mở rộng khối bằng lời mời Montenegro gia nhập.

Theo ông, NATO đang triển khai các biện pháp để tăng cường hiện diện ở khu vực Biển Đen và phía Đông của khối này, trong đó gồm có quá trình điều động 4 tiểu đoàn đa quốc gia tới các nước ở vùng Baltic và Ba Lan.

TTXVN/Tin Tức