08:18 26/08/2021

Mỹ khẳng định lợi ích địa chiến lược tại 'trái tim châu Á'

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vừa thực hiện chuyến công du đầu tiên tới Đông Nam Á từ ngày 20 - 26/8, trở thành quan chức cấp cao nhất trong chính quyền Tổng thống Joe Biden tới thăm khu vực này.

Chú thích ảnh
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris dự lễ ký thỏa thuận thuê đất xây dựng trụ sở mới của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Việc “nhân vật số hai” của nước Mỹ lựa chọn Singapore và Việt Nam là điểm dừng chân cho chuyến “xuất ngoại” trong những tháng đầu nhiệm kỳ đã nói lên vai trò trọng yếu của khu vực Đông Nam Á nói chung và hai nước này nói riêng trong chính sách châu Á của chính quyền Tổng thống Biden.

Trước thềm chuyến thăm, Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Phil Gordon cho biết trọng tâm của chuyến công du này là tăng cường vai trò của Mỹ, mở rộng hợp tác an ninh, làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế, bảo vệ trật tự dựa trên quy định quốc tế, đồng thời ủng hộ những giá trị của nước Mỹ. Trên tinh thần đó, chuyến công du của bà Harris đã tái khẳng định cam kết của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, với Đông Nam Á là trung tâm.

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Đông Nam Á với các lợi thế địa chiến lược về hàng hải, tài nguyên, tiềm năng kinh tế, thị trường là khu vực mà các cường quốc đều muốn thiết lập ảnh hưởng để triển khai các chiến lược lớn hơn tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong bản Hướng dẫn Chiến lược an ninh quốc gia tạm thời được công bố hồi tháng 3 về các biện pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu và định hướng đối ngoại lớn, Mỹ đã khẳng định cần củng cố và đổi mới quan hệ với các đồng minh, đối tác, trong đó nhấn mạnh sự hiện diện của Mỹ sẽ tập trung nhiều vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và châu Âu.

Quyết định lựa chọn Singapore và Việt Nam là những điểm dừng chân của bà Harris tại Đông Nam Á cho thấy rõ hơn quyết tâm của Washington trong việc khẳng định cam kết muốn xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Đông Nam Á, khu vực được Washington đánh giá là rất quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của Mỹ trong tương lai. Hai quốc gia này cũng đều nằm trong lịch trình công tác của giới chức ngoại giao, quốc phòng Mỹ trong hai tháng trở lại đây.

Tiến sĩ Mustafa Izzuddin, nhà phân tích chính trị của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak tại Singapore, nhận định chuyến thăm của bà Harris cũng như một loạt chuyến công du của các quan chức chính quyền Tổng thống Biden mới đây đến Đông Nam Á đều nhằm xây dựng lòng tin chính trị ở khu vực này. Bên cạnh đó, vai trò và tầm ảnh hưởng của Singapore và Việt Nam trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cũng sẽ góp phần thúc đẩy vai trò của Washington trong khuôn khổ đa phương tại khu vực.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính đón Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Nếu như Singapore là đối tác truyền thống có quan hệ “bền chặt và lâu đời” với Mỹ, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam được đánh giá đang trên đà phát triển tích cực và ổn định, với quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại những hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, chuyến thăm của bà Harris tới Hà Nội đánh dấu lần đầu tiên một Phó Tổng thống Mỹ công du Việt Nam, đồng thời là dịp tiếp xúc trực tiếp cấp cao nhất kể từ khi Việt Nam và Mỹ có ban lãnh đạo mới. Bản thân chuyến thăm là một thông điệp mạnh mẽ rằng chính quyền của Tổng thống Biden coi trọng vị trí của Việt Nam trong khu vực và mong muốn thúc đẩy cũng như làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Việt Nam trên cơ sở những lợi ích chung. Bà Susan Sutton, cựu Phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, đánh giá sự kiện này cho thấy Mỹ tiếp tục nhìn nhận Việt Nam là một thành tố quan trọng trong quá trình phát triển quan hệ với khu vực.

Với thông điệp “làm mới” quan hệ với các đối tác châu Á, như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đánh giá, Phó Tổng thống Mỹ mang tới Singapore và Việt Nam những cam kết mới, nhằm khẳng định sự can dự tích cực và toàn diện, hướng tới tương lai của Washington tại khu vực. Việc thiết lập Đối tác khí hậu Mỹ - Singapore, Đối tác Mỹ - Singapore về tăng trưởng và sáng tạo và Đối thoại Mỹ-Singapore về chuỗi cung ứng đã mở ra những lĩnh vực hợp tác mới nhân dịp hai nước kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Mặt khác, những lĩnh vực hợp tác hiện có trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước lại càng được củng cố qua việc ký kết 3 bản ghi nhớ giữa các cơ quan không gian mạng, quốc phòng và tài chính. Hai bên cũng đồng thuận về việc tăng cường quan hệ đối tác nhằm đối phó với dịch COVID-19, chuẩn bị trước các đại dịch tiếp theo, cũng như phối hợp ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu, xây dựng các thành phố thông minh trong khuôn khổ Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN và Đối tác thành phố thông minh Mỹ-ASEAN.

Trong khi đó, các cuộc gặp giữa Phó Tổng thống Harris với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hà Nội đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác kinh tế - thương mại song phương, cũng như trong ứng phó với đại dịch COVID-19 - vốn là mối quan tâm trực tiếp nhất của Việt Nam hiện nay. Phó Tổng thống Harris thông báo Mỹ sẽ tặng thêm 1 triệu liều vaccine của Pfizer cho Việt Nam, nâng tổng số viện trợ vaccine cho Việt Nam lên 6 triệu liều trong số 23 triệu liều Mỹ dành cho 20 nước/vùng lãnh thổ châu Á. Ngoài ra, một trong những điểm nhấn của chuyến thăm là việc khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của CDC Mỹ tại Hà Nội. Theo chính quyền Mỹ, CDC đóng vai trò đặc biệt phù hợp để tăng cường gắn kết và hợp tác của Mỹ với các nước Đông Nam Á nhằm nâng cao năng lực khu vực trong việc ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm và các mối đe dọa y tế mới nổi khác. Chuyên gia Gregory Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế đã nhìn nhận chìa khóa thành công trong chuyến thăm nằm ở cam kết của Mỹ trong hỗ trợ khu vực chống dịch COVID-19. Đây là cơ hội tốt để bà Harris xây dựng uy tín về chính sách tại khu vực then chốt này.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (phải) và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại cuộc họp báo ở Singapore ngày 23/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông qua các cuộc gặp tại Singapore và Việt Nam cũng như qua bài phát biểu chính sách của Phó Tổng thống Mỹ Harris vào ngày 24/8 tại “Đảo quốc Sư tử”, Washington dường như muốn truyền tải thông điệp đề cao giá trị của Đông Nam Á chính vì lợi ích của bản thân nước Mỹ, chứ không chỉ nhằm phục vụ cho cuộc cạnh tranh địa chính trị trong khu vực. Đây là khu vực trọng yếu ở châu Á-Thái Bình Dương mà Mỹ muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong hầu khắp các lĩnh vực, từ thương mại, kinh tế cho đến ứng phó với dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Điều đó cho thấy Nước Mỹ đã trở lại Đông Nam Á với những hành động thực chất hơn.

Những cam kết mà Phó Tổng thống Harris đưa ra trong chuyến công du lần này một lần nữa khẳng định những mục tiêu đã được nêu khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Đông Nam Á tháng trước. Đó là tập trung khắc họa hình ảnh nước Mỹ là một đối tác tin cậy của ASEAN trong cuộc chiến chống COVID-19, phục hồi sau đại dịch và duy trì một hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ, thể hiện cam kết của Mỹ hợp tác với khu vực để có thể ứng phó với những thách thức trong hiện tại và trong tương lai. Nhìn rộng ra, chuyến công du của bà Harris phản ánh chính sách đối ngoại rộng lớn của chính quyền Tổng thống Biden, với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một trong những trọng tâm hàng đầu. Trong chính sách này, Đông Nam Á được ví như khu vực trung tâm, là chìa khoá đưa nước Mỹ trở lại vai trò dẫn dắt và duy trì ưu thế chiến lược trong khu vực trước tầm ảnh hưởng ngoại giao, quân sự và kinh tế của Trung Quốc. Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Phil Gordon đánh giá đây thực sự là một phần của một chiến lược thống nhất tổng thể đối với châu Á mà vị tổng thống thứ 46 của nước Mỹ đang thúc đẩy, hay như giới phân tích gọi là chính sách “xoay trục” sang châu Á 2.0, với sự tham gia toàn diện của Mỹ ở Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á.

Giới quan sát nhận định trong tương lai, để đảm bảo lợi ích tại khu vực, Mỹ nên tập trung vào một chương trình nghị sự chủ động và đề ra chiến lược cho châu Á nói chung, bao gồm một chương trình nghị sự tích cực hơn về hội nhập kinh tế và thương mại, đồng thời tăng cường nguồn lực ngoại giao và quân sự cho khu vực. Đạo luật Chiến lược Đông Nam Á vừa được Hạ viện Mỹ thông qua hồi tháng 4 cũng yêu cầu một chiến lược toàn diện để thu hút sự tham gia của Đông Nam Á trên nhiều phương diện, từ dòng chảy thương mại và đầu tư đến các hiệp ước ngoại giao và an ninh.

Thông điệp của Tổng thống Biden về cam kết của Mỹ “làm sâu sắc và mở rộng các quan hệ đối tác và cam kết đa phương ở Đông Nam Á” đã được truyền tải rõ nét thông qua chuyến công du của Phó Tổng thống Harris. Hơn bao giờ hết, Mỹ hiểu rằng cần phải tăng cường can dự ngoại giao với Đông Nam Á -“xương sống của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, nơi Mỹ có lợi ích lâu dài. Như Điều phối viên Nhà Trắng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Kurt Campbell từng nhấn mạnh, Đông Nam Á là “trái tim” của châu Á và có thể quyết định sự thành bại trong đường lối ngoại giao của Mỹ ở khu vực. Để có một chiến lược châu Á hiệu quả và một cách tiếp cận Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hữu hiệu, Mỹ cần phải tăng cường các hoạt động ở Đông Nam Á, và chuyến thăm của bà Harris cũng một lần nữa khẳng định lợi ích địa chiến lược của Mỹ tại khu vực này.

Phương Oanh (TTXVN)