03:06 04/03/2015

Mỹ, Iran đàm phán nước rút về hạt nhân

Iran và Nhóm P5+1 đã mở lại các cuộc đàm phán song phương và đa phương về chương trình hạt nhân của Iran nhằm nỗ lực tiến đến ký kết một thỏa thuận khung.

Iran và Nhóm P5+1 đã mở lại các cuộc đàm phán song phương và đa phương về chương trình hạt nhân của Iran nhằm nỗ lực tiến đến ký kết một thỏa thuận khung.

Cơ hội 50/50


Ngày 3/3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif đã gặp nhau trong ngày đàm phán thứ 2 tại Montreux (Thụy Sĩ). Các cuộc thảo luận giữa phái đoàn Mỹ và Iran diễn ra trong bối cảnh thời hạn chót cho việc đạt được thỏa thuận khung đã cận kề (31/3), song các bên còn chưa tìm được tiếng nói chung về những điểm then chốt nhất.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 2/3, ông Kerry cho biết, Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) không có ý định tìm kiếm thỏa thuận toàn diện với Iran bằng mọi giá; đồng thời nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bảo đảm rằng Iran không sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông Kerry bày tỏ hy vọng có thể đạt được mục tiêu này, nhưng không hoàn toàn chắc chắn về kết quả đàm phán. Về phần mình, Ngoại trưởng Zarif cho biết thỏa thuận khung có thể được hoàn tất trong tuần này nếu Mỹ và các nước phương Tây có đủ quyết tâm chính trị, đồng ý dỡ bỏ mọi lệnh cấm vận chống Iran.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (thứ 2, trái) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (thứ 2, phải) đàm phán về chương trình hạt nhân Iran tại Montreux. Ảnh: AFP/TTXVN.


Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng thể hiện thái độ lạc quan thận trọng. Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters (Anh), ông tuyên bố Iran phải cam kết “đóng băng có kiểm chứng” mọi hoạt động liên quan tới chương trình hạt nhân trong thời hạn ít nhất là 10 năm, coi đây là giới hạn cuối cùng mà Mỹ có thể chấp nhận được. Ông chủ Nhà Trắng nhìn nhận, Iran đã rất nỗ lực và nghiêm túc trong đàm phán trong khi còn phải giải quyết những vấn đề trong nội bộ; triển vọng đạt được thỏa thuận là sáng sủa hơn so với thời điểm 3-5 tháng trước đây. Bất chấp những tiến triển trên, Tổng thống Obama thừa nhận cơ hội thành công của các vòng đàm phán lần này còn chưa tới 50%, do những trở lực có thể xuất hiện từ Quốc hội Mỹ.

Giải quyết hồ sơ hạt nhân Iran được xem là điểm ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Chính quyền Obama được cho là ở vào tình thế khá “nhạy cảm”. Nhà Trắng có thể ký kết thỏa thuận với Iran mà không cần bận tâm đến phản ứng từ quốc hội vì đây không phải là hiệp định. Tuy nhiên, việc dỡ bỏ cấm vận chống Iran thì lại khác, vì nó phải được Quốc hội Mỹ thông qua.

Lực cản từ Israel


Đàm phán hạt nhân Iran không chỉ đối mặt với nguy cơ bị Quốc hội Mỹ cản trở, mà còn có thêm lực cản từ Israel. Ngày hôm qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, nhằm “làm rõ” mối hiểm họa đến từ Iran. Trước đó, ông Netanyahu đã tới dự hội nghị chính sách thường niên của Ủy ban các vấn đề chung Mỹ - Israel (AIPAC), một nhóm vận động hành lang có thế lực tại Mỹ theo quan điểm ủng hộ nhà nước Do Thái.

Tại hội nghị, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố ông có trách nhiệm phản đối việc ký kết thỏa thuận với Iran, vì nó đe dọa tới sự tồn vong của Israel. Về phần mình, Tổng thống Obama ngầm chỉ trích lập trường của Israel, nói rằng chính ông Netanyahu cũng đã có những đánh giá sai lầm tương tự khi Nhóm P5+1 và Iran ký kết thỏa thuận hạt nhân tạm thời (năm 2013).

Thủ tướng Israel tới Washington theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện John Boehner. Giới phân tích nhìn nhận, chuyến đi của ông Netanyahu diễn ra tại thời điểm chính trường Mỹ không ở vào thời điểm “nhạy cảm” liên quan đến các cuộc bầu cử; chính quyền Obama không chịu sức ép từ việc phải thể hiện thái độ ủng hộ nhà nước Do Thái. Ngược lại, động thái này được cho là nhằm củng cố uy tín của Thủ tướng Israel trước thềm các cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 17/3 tới đây: ông Netanyahu muốn chứng tỏ mình là người đủ sức chống Iran.

Có lẽ vậy mà cả Mỹ và Israel đều không muốn đẩy rạn nứt đi quá xa. Thủ tướng Israel khẳng định quan hệ đồng minh lâu đời Mỹ - Israel bền chặt “hơn bao giờ hết" và sẽ tiếp tục phát triển. Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power thì nói rằng Mỹ sẽ sát cánh với các đồng minh, trong đó có Israel, bất kể đàm phán giữa Iran và Nhóm P5+1 đạt kết quả ra sao.


Hoài Thanh