09:08 11/09/2014

Mỹ huy động ủng hộ chống phiến quân IS

Trong khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày càng trở nên nguy hiểm hơn với nước Mỹ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang tích cực huy động sự ủng hộ của dư luận trong và ngoài nước với kế hoạch chống IS của mình.

Trong khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày càng trở nên nguy hiểm hơn với nước Mỹ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang tích cực huy động sự ủng hộ của dư luận trong và ngoài nước với kế hoạch chống IS của mình.

 

Tổng thống Obama (giữa) gặp các lãnh đạo quốc hội Mỹ tại phòng Bầu dục ngày 9/9.  Ảnh: AFP/TTXVN


Đúng 21 giờ ngày 10/9 (8 giờ sáng nay, 11/9 - giờ Việt Nam), Tổng thống Obama sẽ phát biểu trước toàn dân về mối nguy hiểm của nhóm IS và chiến lược chống lại nhóm này. Mặc dù một số thông tin cơ bản của bài phát biểu đã được ông Obama tiết lộ trước đó, như mối đe dọa của IS, chiến lược ba giai đoạn để tiêu diệt IS, không đưa bộ binh Mỹ trở lại Iraq, nhưng nhiều chi tiết của kế hoạch vẫn chưa được vén màn.


Bài phát biểu được cho là thể hiện nỗ lực và quyết tâm mạnh nhất của ông Obama trong cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố khét tiếng nhất thế giới hiện nay - nhóm đã khiến cả thế giới phẫn nộ sau khi chặt đầu dã man hai nhà báo Mỹ.


Trước bài phát biểu quan trọng, Tổng thống Obama ngày 9/9 đã gặp các lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện để thảo luận giai đoạn tiếp theo trong chiến dịch chống IS của mình và huy động sự ủng hộ của quốc hội Mỹ. Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết ông Obama đã nói với các lãnh đạo lưỡng viện rằng ông có thẩm quyền cần thiết để hành động chống lại IS theo chiến lược mà ông sẽ vạch ra trong bài diễn văn.


Trong cuộc gặp này, Chủ tịch Hạ viện John Boehner đã ủng hộ các lựa chọn mà ông Obama đề xuất, trong đó có tăng cường hiệu quả hoạt động cho lực lượng an ninh Iraq, trang bị cho một số nhóm vũ trang đối lập Syria.


Ngoài nỗ lực giành sự ủng hộ của dư luận trong nước, Tổng thống Mỹ còn ráo riết thuyết phục các nước gia nhập vào liên minh quốc tế chống IS, để Mỹ không phải hành động đơn độc ở Iraq. Ông Obama đã bắt đầu vận động thành lập liên minh quốc tế đối phó với IS từ khi tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO ở Anh tuần trước.


Hiện liên minh quốc tế chống phiến quân IS đã có 10 thành viên nòng cốt, sẵn sàng tham gia các chiến dịch chống IS ở cả Iraq và Syria. Một thành viên trong liên minh là Anh đã thông báo sẽ chuyển số vũ khí trị giá 2,6 triệu USD cho lực lượng người Kurd ở Iraq để chống phiến quân.


Ngoài 10 nước này, các nước Arab ngày 9/9 đã ủng hộ nỗ lực của Mỹ trong thành lập một liên minh quốc tế trên quy mô lớn để chống IS. Saudi Arabia trong ngày hôm nay (11/9) sẽ tổ chức các cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và bộ trưởng 10 nước Arab cùng Thổ Nhĩ Kỳ để bàn về hành động chung chống IS. Liên đoàn Arab (AL) cũng đang huy động các nước trong khu vực cho cuộc chiến này.


Về phần mình, trước thềm cuộc gặp với các ngoại trưởng Arab, ông Kerry tuyên bố sẽ xây dựng “một liên minh đối tác toàn cầu lớn nhất có thể để đương đầu, làm suy yếu và cuối cùng là đánh bại IS”. Ông Kerry nói: “Gần như mọi quốc gia đều có vai trò trong loại bỏ mối đe dọa IS và thảm họa mà nhóm này gây ra”.


Dù phần lớn các nước ủng hộ liên minh quốc tế chống IS mà Mỹ đề xuất, nhưng hai nước lớn là Trung Quốc và Nga lại tỏ ra không mấy mặn mà. Trong khi Trung Quốc chưa bình luận cụ thể về đề nghị tham gia liên minh này của Mỹ, thì Nga cho rằng liên minh được thành lập trên cơ sở lợi ích của một nhóm nước sẽ không thể thành công.


Thùy Dương