04:09 18/04/2014

Mỹ hoài nghi, cảnh báo Nga sau thỏa thuận về Ukraine

Mỹ, Liên minh châu Âu, Nga và Ukraine đã đạt được thỏa thuận về các bước đi cần thiết nhằm chấm dứt khủng hoảng ở Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Barack Obama vẫn nghi ngờ liệu Nga có “tuân thủ” thỏa thuận hay không.

Mỹ, Liên minh châu Âu, Nga và Ukraine đã đạt được thỏa thuận về các bước đi cần thiết nhằm chấm dứt khủng hoảng ở Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Barack Obama vẫn nghi ngờ liệu Nga có “tuân thủ” thỏa thuận hay không.

Theo hãng tin AP, thỏa thuận đạt được hôm 17/4 quy định “tất cả các bên phải kiềm chế bạo lực, không có các hành động gây hấn hay hù dọa”; đồng thời đề ra những bước đi cụ thể “khôi phục an ninh cho tất cả mọi người dân”, yêu cầu “các nhóm vũ trang bất hợp pháp” giải giáp vũ khí, rời khỏi các tòa nhà chính quyền chiếm giữ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo Nga sẽ phải đối mặt với các lệnh cấm vận mới nếu không tuân thủ thỏa thuận. Ảnh: AFP


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gọi thỏa thuận này là kết quả “của một ngày làm việc tích cực”, nhưng nhấn mạnh những ngôn từ trên giấy phải được thể hiện sang những hành động cụ thể, và rằng “những ai trước đó đã vũ trang cho các nhóm thì giờ phải có trách nhiệm giải giáp vũ trang”. Ông cũng tiết lộ là đã đưa ra lời cảnh báo đối với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, rằng Moskva sẽ phải đối mặt những lệnh cấm vận mới nếu không tuân thủ các cam kết.

Thỏa thuận được hy vọng giúp hạ nhiệt căng thẳng, nhưng ông Kerry vẫn nhấn mạnh là vẫn còn sự bất đồng “sâu sắc” về tương lai của Crimea. “Chúng tôi không từ bỏ nhưng chúng tôi không đến (Geneva) để nói về Crimea. Không ai bị bỏ rơi trong vấn đề Crimea”,  Ngoại trưởng Mỹ phát biểu.

Phát biểu với báo chí sau hơn 7 giờ thảo luận, Ngoại trưởng Lavrov chia sẻ về việc các bên thống nhất giải giáp đối với các nhóm vũ trang không chính thức và rằng thỏa thuận bao gồm “tất cả các vùng Ukraine".

Ở một chiều hướng khác, Tổng thống Obama tỏ ra hoài nghi về cam kết của Nga nhằm hạ nhiệt khủng hoảng, tuyên bố Mỹ và các đồng minh sẵn sàng áp đặt cấm vận mới. “Câu hỏi hiện nay là: Liệu họ sẽ thực sự sử dụng ảnh hưởng để lập lại trật tự, để người Ukraine có thể tiến hành bầu cử, tiến đến các cải cách phân quyền trung ương như đã đề xuất, ổn định nền kinh tế và khởi động việc quay lại con đường phát triển và dân chủ, và rằng liệu chủ quyền của Ukraine có được tôn trọng?”, ông Obama bày tỏ.

Sau thỏa thuận này, các giám sát viên của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) sẽ được giao trọng trách giúp đỡ chính quyền lâm thời Kiev và các cộng đồng địa phương tuân thủ điều khoản đã đạt được. Theo đó, sẽ phải thực thi kế hoạch cải cách hiến pháp và trao thêm quyền cho chính quyền địa phương theo hướng minh bạch, có trách nhiệm thông qua đối thoại toàn quốc.


HT (aljazeera)