08:10 29/08/2014

Mỹ gieo gió đang phải gặt bão ở Iraq (Tiếp theo và hết)

Ngoài sự can thiệp khá rõ như Mỹ chi tiền, cung cấp vũ khí và cho cả máy bay có người lái và không người lái không kích vào lực lượng của ISIL, vận động các nước đồng minh phương Tây khác cung cấp tiền bạc và vũ khí, phương tiện chiến tranh cho Iraq chống ISIL,…,

Mỹ muốn các nước can dự để chống ISIL


Ngoài sự can thiệp khá rõ như Mỹ chi tiền, cung cấp vũ khí và cho cả máy bay có người lái và không người lái không kích vào lực lượng của ISIL, vận động các nước đồng minh phương Tây khác cung cấp tiền bạc và vũ khí, phương tiện chiến tranh cho Iraq chống ISIL,…, còn có Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tay cho lực lượng người Kurd ở Iraq, nhằm xây dựng Nhà nước Kurdistan độc lập trong lòng Iraq, Israel ủng hộ người Kurd độc lập để chống cả Iran và Syria.

 

 

Jordan thì triển khai xe tăng và hàng nghìn binh lính dọc đường biên giới với Iraq nhằm chặn các con đường đi lại không bị rơi vào tay quân ISIL. Iran thì rất lo ngại trước tình hình đang diễn ra tại Iraq, phản đối mọi hình thức gây bất ổn cho Iraq cũng như bất kỳ trở ngại nào có thể ngăn cản việc thành lập một chính quyền trung ương mạnh ở Baghdad, vì Iran có quan hệ hữu nghị tốt đẹp với tất cả các nhóm Shiite ở Iraq.

 

Nếu như từ năm 1980 đến 1988 Mỹ đã dùng Saddam Hussein để tiến hành chiến tranh chống Iran để trả thù mối hận là cuộc cách mạng 1979 ở Iran lật đổ nhà vua Shah thân Mỹ và tống cổ Mỹ khỏi đất nước đó, thì nay Mỹ lại đang cậy nhờ Iran dùng ảnh hưởng của mình ở Trung Đông để chống lại lực lượng khủng bố ISIL, nhằm giúp Mỹ có thể rút chân khỏi Iraq và không phải quay trở lại Iraq một lần nữa sau khi đã tiêu tốn hàng nhiều tỷ đô la và hàng nghìn sinh mạng người Mỹ ở đây mà chẳng đạt được gì.

 

Có thể nói trong số tất cả các nước trong khu vực, Iran được hưởng lợi nhiều nhất từ sự sụp đổ của Saddam Hussein, thậm chí việc lật đổ Saddam Hussein còn có lợi cho Iran nhiều hơn cả cho Mỹ. Hiện nay có tin các cố vấn quân sự Iran thuộc lực lượng tinh nhuệ Al-Quds đã thâm nhập vào các đơn vị quân chính phủ ở tuyến đầu chống ISIL, Tổng thống Iran Hassan Rohani mới đây đã công khai tuyên bố Iran sẽ không do dự trong việc bảo vệ những nơi thờ trị của người Shiite ở Samara, nơi có ngôi Đền vàng được người Shiite kính trọng nhất, không bị rơi vào tay bọn khủng bố cực đoan ISIL thuộc dòng Sunni.


Mỹ “gieo gió phải gặt bão” ở Iraq


Nhiều nhà phân tích nhận định rằng những gì đang diễn ra ở Iraq cho thấy toàn bộ chính sách gọi là chống khủng bố của Mỹ được tiến hành trong hơn hai thập niên qua kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, đặc biệt là từ khi ông George Bush đổ quân vào Iraq tháng 3/2002, đều thất bại với bằng chứng rõ nhất là những việc đang làm của Nhà nước Hồi giáo ISIL (hay IS) vốn từng chỉ là một nhánh của mạng lưới Al-Qaeda nay đã chiếm được nhiều vùng lãnh thổ của Iraq. Báo Mỹ New York Times số ra mới đây còn nhận định rằng: Hơn ai hết Thủ tướng Iraq Nouri Al-Maliki là người phải chịu trách nhiệm vì thảm họa đang diễn ra hiện nay ở Iraq còn Al-Maliki lại chính là một trong những công cụ được Mỹ lựa chọn và sử dụng trong suốt thời gian Mỹ chiếm đóng Iraq. Mỹ đã điều khiển một cách thô bạo tình hình căng thẳng phe phái ở Iraq theo chiến lược chia để trị và rốt cuộc nó đã dẫn đến một cuộc chiến tranh phe phái giết chết hàng nghìn người. Đồng thời Mỹ cũng ủng hộ lực lượng Hồi giáo cấp tiến Sunni chống ông Bashar Al-Assad ở bên kia biên giới của Iraq và tâng bốc bọn này là các chiến binh “vì nền dân chủ” và “vì quyền tự do”…


Nhưng những chính sách của Washington chẳng hề mang lại số phận tốt đẹp gì cho người dân Iraq mà ngược lại nó còn tàn phá hoàn toàn xã hội nước đó. Hàng trăm nghìn người Iraq bị giết hại, hàng triệu người khác trở thành những người tị nạn, gần 4.500 lính Mỹ thiệt mạng, hàng chục nghìn người khác bị thương, hàng nghìn tỷ USD bị lãng phí và làm giàu bất chính cho những kẻ có mặt trong quân đội và Chính phủ Iraq. Việc các binh sĩ cuối cùng của Mỹ không thể rút khỏi Iraq vào cuối năm 2011 do chính quyền của Barack Obama không đạt được một thỏa thuận về quy chế của các lực lượng Mỹ tại quốc gia đó đã làm cho cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Iraq còn lâu mới kết thúc được.

 

Tức cảnh, nhiều nhà phân tích đã nói rằng hầu như tất cả các tầng lớp tinh hoa lãnh đạo Mỹ đều dính líu sâu vào việc phá hủy xã hội Iraq và chính là những người đang gây ra thảm họa hiện nay ở Iraq; ít nhất là 4 đời chính quyền ở Washington gần đây là Bush cha, Bill Clinton, Bush con và Barack Obama đã tiến công và chiếm đóng Iraq trong hơn một phần tư thế kỷ qua. Và mặc dù gần đây đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hứa sẽ gửi cho quân đội Iraq tên lửa Hellfire, hàng triệu viên đạn cho vũ khí hạng nhẹ, hàng trăm súng cối trang bị cho xe tăng, lựu đạn, súng máy và súng tấn công nhưng trước sự tiến công của phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), tại nhiều nơi như ở thành phố Mosul có đập nước quan trọng bậc nhất ở Iraq cũng như các nơi khác binh lính Iraq đã đào ngũ hàng loạt, bỏ lại vũ khí và quân phục, mặc quần áo dân thường để chạy tháo thân.

 

Các cuộc tiến công của lực lượng khủng bố IS có thể dẫn đến sự chia cắt toàn bộ đất nước Iraq và kích động sự nổi loạn toàn khu vực, đe dọa làm xáo trộn bản đồ chính trị của toàn vùng Trung Đông rộng lớn và giàu tài nguyên. Sự bùng nổ của cuộc nội chiến ở Iraq đánh dấu sự phá sản của chính sách đối ngoại Mỹ và những dính líu chính trị sâu sắc của Mỹ ở nước ngoài. Đồng thời, nó đang làm cho chính quyền của ông Obama phải sững sờ và lo sợ trước nguy cơ Mỹ lại phải dính líu một lần nữa ở Iraq. Và tình hình đó đang kích thích nhiều nước khác ở khu vực Trung Đông nổi dậy liên kết với nhau để nhấn chìm Mỹ trong biển lửa của các hoạt động khủng bố cực đoan và tàn bạo. Rõ ràng là chính Mỹ đã tạo ra chiếc gậy để đập thẳng vào lưng Mỹ…

 


Hồ Đức Minh