07:07 17/07/2018

Mỹ gây chiến thương mại với một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới

Quần áo cũ do người Mỹ quyên góp đang trở thành “mồi lửa” cho tranh chấp thương mại giữa Mỹ và một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới – Rwanda.

Chú thích ảnh
Một người bán quần áo cũ tại Rwanda. Ảnh: CNN

Chính phủ Rwanda đã tăng thuế nhập khẩu với quần áo cũ từ Mỹ lên 2,5 USD/kg. Mức thuế có hiệu lực từ năm 2016 này là chủ ý của Chính phủ Rwanda để khuyến khích sản xuất may mặc nội địa. Tuy nhiên, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không chịu để yên trước diễn biến này.

Kênh CNN cho biết quần áo cũ quyên góp từ Mỹ từ lâu đã rất phổ biến tại Rwanda và điều này vô tình gây hạn chế cho phát triển ngành công nghiệp may mặc địa phương.

Tổng thống Rwanda Paul Kagame cho biết đến năm 2019 có khả năng quốc gia này sẽ cấm nhập khẩu quần áo cũ. Tổng thống Paul Kagame cũng nhấn mạnh mức thuế mới còn góp phần ngăn chặn khả năng Rwanda trở thành “bãi rác” cho quần áo cũ của Mỹ.

Năm 2017, Hiệp hội Sợi tái chế và Chất liệu cũ đại diện cho các công ty bán trang phục đã qua sử dụng của Mỹ đã khiếu nại lên chính phủ cho rằng mức thuế của Rwanda khiến hàng nghìn lao động tại Mỹ gặp khó khăn.

Sau đó, Phòng Đại diện Thương mại Mỹ trong tháng 3 cảnh báo có thể dừng các lợi ích dành riêng cho Rwanda thuộc Đạo luật Cơ hội và Phát triển châu Phi (AGOA) trong đó tạo điều kiện cho các quốc gia Hạ Sahara xuất khẩu tới Mỹ mà không phải đối mặt với thuế. Như vậy, Rwanda có thể mất quyền lợi xuất khẩu mặt hàng miễn thuế tới Mỹ.

 

Chú thích ảnh
Một chiếc áo cũ thương hiệu nổi tiếng H&M nguồn gốc từ Mỹ tại Rwanda. Ảnh: CNN

Một số ý kiến đã chỉ trích chính phủ Mỹ đang phản ứng quá mạnh đối với mức thuế lên quần áo cũ và nhắm đến quốc gia nơi thu nhập trung bình năm chỉ vào khoảng 700 triệu USD.

Chính phủ Rwanda trong khi đó rất kiên trì với quyết định đưa ra và cam kết đền bù cho những doanh nghiệp quốc gia này chịu ảnh hưởng bởi biện pháp trả đũa thương mại của Mỹ.

Tổng thống Rwanda Paul Kagame trong tháng 6 phát biểu trước các phóng viên: “Chúng ta đang ở tình thế phải lựa chọn, hoặc là chỉ nhận quần áo cũ hoặc lựa chọn phát triển ngành may mặc. Theo tôi, việc lựa chọn lại khá đơn giản”.

Hà Linh/Báo Tin tức