07:18 26/07/2018

Mỹ - EU 'tháo ngòi nổ' căng thẳng

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được “bước đột phá” quan trọng trong việc tháo ngòi nổ cho cho một cuộc chiến thương mại có thể xảy ra giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean - Claude Juncker (trái) tại cuộc gặp ở Washington, DC. Ảnh: EFE/TTXVN

Với kết quả hai bên nhất trí giảm rào cản thương mại, hướng đến mục tiêu không thuế quan, không rào cản phi thuế quan và không trợ cấp ở lĩnh vực hàng công nghiệp không tự động…, cuộc đàm phán thương mại giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean - Claude Juncker diễn ra tại Nhà Trắng ngày 25/7 được xem là tín hiệu tích cực cho cả hai phía trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - EU gia tăng, thậm chí “sóng gió” kể từ sau khi Tổng thống Trump lên nắm quyền tháng 1/2017. Kết quả này cũng cho thấy các nền kinh tế lớn có thể giải quyết được bất đồng thông qua đối thoại để "né" bất kỳ cuộc chiến thương mại nào.

Ngay tại cuộc họp báo diễn ra sau cuộc gặp quan trọng kéo dài 2 giờ, Tổng thống Donald Trump tuyên bố một "giai đoạn mới" trong quan hệ song phương đã được hai bên nhất trí, theo đó ngoài sự phối hợp hướng đến mục tiêu không thuế quan, không rào cản phi thuế quan và không trợ cấp ở lĩnh vực hàng công nghiệp không tự động, Mỹ và EU còn thỏa thuận tăng cường thương mại trong một loạt lĩnh vực như dịch vụ, hóa chất, dược phẩm, sản phẩm y tế và đậu tương. Đặc biệt vấn đề liên quan đến thuế nhôm thép và các biện pháp trả đũa lẫn nhau sẽ được ưu tiên giải quyết.

Cùng với việc xác định một số lĩnh vực hợp tác hướng tới việc không thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp, việc hai bên nhất trí củng cố hợp tác trong lĩnh vực năng lượng; EU nhập khẩu thêm khí đốt hóa lỏng từ Mỹ và đối thoại về các tiêu chuẩn…

Rõ ràng cả Washington và Brussels đều có những bước đi khôn khéo theo hướng "có đi có lại" để giảm nhiệt căng thẳng thương mại sau khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu nhôm thép từ EU hay gọi nhóm các đối tác bên kia bờ Đại Tây Dương là "kẻ thù" của Washington về thương mại.

Giới phân tích cho rằng những nhượng bộ của hai bên lần này là “bước lùi để tiến”, bởi lẽ Mỹ và EU đều nhận thấy rằng hạ nhiệt căng thẳng hiện nay sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía, thậm chí cho cả nền kinh tế toàn cầu.

EU và Mỹ là hai đối tác thương mại chủ chốt của nhau, và việc kéo dài căng thẳng, ngoài làm tổn hại quan hệ đồng minh, sẽ còn dẫn tới những hệ quả khó lường. Đối với Mỹ, bản thân tranh chấp thương mại với Trung Quốc cũng đã khiến nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu để căng thẳng với EU leo thang, thiệt hại càng lớn, nhất là Mỹ vốn phụ thuộc vào nhập khẩu.

Hơn nữa, việc chính quyền Tổng thống Trump không thể nhanh chóng kết thúc đàm phán tranh chấp thương mại hay hoàn tất các thỏa thuận mới cũng đặt Mỹ vào thế bất lợi. Khi Mỹ áp đặt các rào cản thuế quan trong trao đổi hàng hóa với phần còn lại của thế giới thì châu Âu lại mở các cuộc đàm phán để hạ thấp rào cản này với nhiều nước khác.

Với EU, chiến tranh thương mại với đối tác lớn nhất và thị trường xuất khẩu quan trọng nhất là Mỹ rõ ràng là một "kịch bản tồi". Theo tính toán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), khi Mỹ áp thuế 25% với thép và 10% với nhôm nhập khẩu từ EU, thương mại của khối này sụt giảm, dẫn tới GDP sẽ giảm 2%. Trong khi đó, tổng thương mại toàn cầu cũng giảm 6%. Bên cạnh đó, vòng xoáy trả đũa thương mại sẽ tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu, chi phí sản xuất, giá cả cho tới việc làm trên toàn EU.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier, ngoài việc hoan nghênh “bước đột phá” tại Brussels, nhận định kết quả đạt được giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ EC Jean – Claude Juncker có thể đã tránh được cuộc chiến thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương, cứu hàng triệu việc làm. Đây không chỉ là “tín hiệu tuyệt vời" cho kinh tế toàn cầu, mà còn tạo ra cơ hội để Mỹ và EU khởi động các cuộc đàm phán nhằm giải quyết triệt để tranh cãi về thuế mà Mỹ áp đặt đối với các mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu từ EU cũng như các biện pháp trả đũa mà châu Âu đưa ra đối với hàng hóa Mỹ.

Với thị trường thế giới, việc Mỹ và EU nhất trí giảm rào cản thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của hai bên đã giúp củng cố lòng tin của các nhà đầu tư. Những thông tin tích cực từ thị trường chứng khoán thế giới trong ngày 26/7 phần nào phản ánh sự hứng khởi và lòng tin của giới đầu tư đang dần được khôi phục.

Tuy nhiên, việc hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ - EU được nhận định chưa thể giải quyết triệt để những tranh cãi hiện nay, cũng chưa thể xóa nhòa những bất đồng mấu chốt giữa hai bên. Các chuyên gia còn hoài nghi về khả năng thực thi các thỏa thuận này. Nhà kinh tế thuộc Tổ chức Heritage, ông Tori Whiting đánh giá kết quả vừa đạt được là bước đi tích cực đầu tiên đáng “khích lệ” để “hãm phanh” cuộc chiến tranh thương mại, nhưng hai bên vẫn chưa thể hàn gắn rạn nứt trong quan hệ liên quan tới việc Mỹ áp thuế đối với thép và nhôm của EU, cũng như đe dọa áp thuế nhập khẩu ô tô.

Chuyên gia cấp cao thuộc Viện Brookings Darrell West, thậm chí còn cho rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và ông Juncker không thay đổi được sự khác biệt đáng kể giữa Mỹ và EU. Trong bối cảnh Mỹ luôn chỉ trích các đồng mình EU rằng chưa chi trả đủ cho an ninh quốc gia, cũng như đánh giá thấp thương mại tự do, biến đổi khí hậu, việc đàm phán với Iran hoặc vấn đề liên quan đến Nga, quan điểm của ông Trump sẽ càng làm phức tạp hóa xu hướng các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương bởi lẽ các lãnh đạo châu Âu sẽ khó có thể thuyết phục cử tri ủng hộ những ý tưởng của Tổng thống Trump.

Chuyên gia Michael O'Hanlon của Viện Brookings cũng nhận định rằng các động thái thương mại của Tổng thống Trump chưa thực sự mang tính nhượng bộ.

Hơn thế nữa, với một Tổng thống Mỹ thường có những phát ngôn và hành động "trước sau bất nhất" như ông Trump, giới chức EU chưa thể yên lòng. Chẳng có gì bảo đảm Tổng thống Trump sẽ không một lần nữa "gây hấn" với đồng minh EU để đổi lấy những lợi ích chính trị, nhất là khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ đang tới gần.

Phương Hoa (TTXVN)