09:10 22/09/2019

Mỹ điều tàu khu trục mang tên lửa Tomahawk tới ‘vá lỗ hổng’ phòng không Saudi Arabia

Mỹ đã tái triển khai tàu khu trục USS Nitze đến bờ biển phía Đông Bắc Saudi Arabia nhằm “vá lỗ hổng” hệ thống phòng không của Saudi Arabia – được cho là điểm yếu bị lợi dụng trong vụ tấn công các cơ sở lọc dầu ngày 14/9. 

Đài CBS của Mỹ đưa tin động thái điều tàu trên phù hợp với những các buộc trước đây của Washington và Riyadh rằng vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái cùng tên lửa dẫn đường xuất phát từ Iran ở phía Bắc, thay vì từ Yemen ở phía Tây Nam. 

Tàu khu trục USS Nitze được trang bị một hệ thống tác chiến Aegis, có khả năng phóng tên lửa SM-3 làm nhiệm vụ phòng không và tên lửa Tomahawk trong trường hợp tấn công. Loại tên lửa tầm bắn lớn hơn này sẽ cho phép tàu Nitze tấn công bất cứ đâu tại Iran, nếu được lệnh. 

Chú thích ảnh
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Nitze của Hải quân Mỹ. Ảnh: Reuters

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bật đèn xanh cho một cuộc triển khai quân sự “ôn hòa” đến Saudi Arabia để bảo vệ đất nước này khỏi các nguy cơ tấn công từ Iran. Quyết định này được đưa ra sau khi cả Riyadh và Washington đều cáo buộc quốc gia Cộng hòa Hồi giáo trên là chủ mưu vụ tấn công nhà máy lọc dầu của tập đoàn Saudi Aramco, bất chấp việc Tehran kịch liệt bác bỏ các cáo buộc này. 

Động thái trên là bước leo thang mới nhất của Washington nhằm gia tăng áp lực với Iran. Giới quan sát tại Washington đánh giá Tổng thống Trump trong một tuần qua dường như đang thể hiện sự thay đổi về cách xử lý căng thẳng với Iran. Ngày 16/9, ông tuyên bố không muốn chiến tranh với Iran. Ngày 18/9, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông đang cân nhắc "nhiều lựa chọn", bao gồm cả "lựa chọn cuối cùng", hàm ý giải pháp quân sự. 

Iran đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc từ Washington và Riyadh. Ngoại trưởng nước này, ông Javad Zarif cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào chống lại Tehran sẽ châm ngòi cho "cuộc chiến tranh toàn diện" tại Iran để chống lại kẻ xâm lược. Ông Zarif cũng yêu cầu Riyadh cung cấp cho Tehran quyền tiếp cận với các mảnh vỡ của máy bay không người lái và tên lửa được sử dụng trong vụ tấn công mà Bộ Quốc phòng Saudi Arabia dùng làm bằng chứng khẳng định sự liên quan của Iran trong vụ việc.

Saudi Arabia là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Vụ tấn công phá hoại các cơ sở lọc dầu trọng yếu của Saudi Arabia xảy ra ngày 14/9, đã làm giảm 1/2 sản lượng dầu thô của nước này trong nhiều ngày. Sự cố khiến giá dầu trên thế giới tăng bật giá, cùng với giá cổ phiếu của các công ty dầu do lo ngại về thiếu hụt nguồn cung dầu thô. Saudi Arabi đang chạy đua với thời gian để khôi phục lại hoạt động sản xuất dầu về mức trước tấn công. 

Các nhà máy của tập đoàn Saudi Aramco từng bị phiến quân Houthi ở Yemen tấn công trước đây, song tên lửa và thiết bị bay của chúng đều bị đánh chặn. Mặc dù Houthi đã thừa nhận thực hiện các vụ tấn công trên, song Mỹ - đồng minh của Saudi Arabia, đã cáo buộc Iran - nước ủng hộ Houthi, đứng đằng sau các vụ tấn công này. Tối 20/9, phiến quân Houthi tại Yemen thông báo lực lượng này có kế hoạch ngừng tất cả các cuộc tấn công vào Saudi Arabia trong khuôn khổ sáng kiến hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Yemen. 

Người đứng đầu Ủy ban chính trị tối cao của Houthi, Mehdi al-Mashat nêu rõ kế hoạch của lực lượng này "ngừng tất cả các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Saudi Arabia" bằng máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo và những phương tiện khác, đồng thời bày tỏ hy vọng hành động này của Houthi sẽ được đáp lại bằng "hành động mạnh mẽ hơn" từ phía Saudi Arabia.

Hoàng Trang/Báo Tin tức