06:10 12/06/2012

Mỹ đang xây dựng cơ sở cho một phiên bản NATO ở châu Á?

Hai nhân vật đứng đầu "cỗ máy" quân sự khổng lồ của Mỹ vừa có chuyến thăm một số nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và chính thức bắt đầu chiến lược chuyển hướng quân sự của Mỹ.

Hai nhân vật đứng đầu "cỗ máy" quân sự khổng lồ của Mỹ là Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey vừa có chuyến thăm một số nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và chính thức bắt đầu chiến lược chuyển hướng quân sự của Mỹ.

Bộ trưởng Panetta nói chuyện với thủy thủ đoàn tàu USNS Richard E. Byrd trong chuyến thăm Việt Nam. Ảnh: Tiên Minh - TTXVN


Theo mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu" ngày 11/6, sau khi tham dự Đối thoại Shangri-La tại Xinhgapo, ông Panetta đã đến thăm Việt Nam và Ấn Độ - những đối tác quân sự châu Á mới quan trọng nhất của Mỹ trong giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh, còn ông Dempsey tới Philíppin và Thái Lan, hai đồng minh quân sự lâu nay của Mỹ.


Tại Xinhgapo, ông Panetta tuyên bố sẽ tăng lực lượng hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương từ mức 50% hiện nay lên 60% vào năm 2020, và củng cố liên minh quân sự với các nước châu Á, nhất là những nước Đông Nam Á, có liên quan đến tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại Biển Đông.


Ông Panetta đã nhấn mạnh việc tăng cường cộng tác quân sự với 6 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương mà Mỹ đã có các hiệp định quốc phòng là Ôxtrâylia, Nhật Bản, Niu Dilân, Philíppin, Hàn Quốc và Thái Lan, cũng như mở rộng và tăng cường các quan hệ đối tác hiện có với các nước như Xinhgapo, Inđônêxia, Malaixia và Ấn Độ. Ông Panetta còn nhắc đến việc thiết lập quan hệ quân sự với Mianma, một thành viên khác của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).


Sau chuyến thăm châu Á-Thái Bình Dương 8 ngày của ông Panetta nhằm "thúc đẩy sự chuyển hướng sang châu Á trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama", trang mạng của Lầu Năm Góc cho biết hai chủ đề chính trong các chuyến công du của ông Panetta là "Oasinhtơn đang nhấn mạnh hơn vào chính sách châu Á-Thái Bình Dương, ngược lại so với chính sách châu Âu và Trung Đông" và "Mỹ dự định tăng cường các hoạt động quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương, tổ chức thêm các cuộc tập trận chung với nhiều quốc gia".


Trong khi ông Panetta củng cố mối quan hệ đối tác có tầm quan trọng với các nước ở bờ biển phía tây Biển Đông, ông Dempsey lại có mặt tại khu vực bờ phía đông. Tại Philíppin, ông Dempsey đã thăm tổng hành dinh của lực lượng đặc nhiệm Philíppin tại Mindanao, nơi 600 binh lính Mỹ đang được triển khai để tham gia các chiến dịch chống nổi dậy.


Trong chuyến thăm của ông Dempsey, Ngoại trưởng Philíppin Albert del Rosario tuyên bố sẽ có thêm nhiều tàu chiến Mỹ cập cảng Philíppin và "sự tăng cường hiện diện của Mỹ phù hợp với hướng dẫn chiến lược của Oasinhtơn đối với châu Á-Thái Bình Dương". Ngày 5/6, báo "Ngôi sao" của Philíppin đã tiết lộ rằng "binh lính, tàu chiến và máy bay Mỹ có thể lại được sử dụng các căn cứ hải quân và không quân cũ của họ tại Subic, Zambales và Clark Field (Pampanga)".


Trong chuyến thăm Thái Lan sau đó, Tướng Dempsey cũng thuyết phục được nước chủ nhà đồng ý cho quân đội Mỹ sử dụng lại căn cứ hải quân U-Tapao, cách Băng Cốc khoảng 145 km về phía tây nam, hiện hoàn toàn dành cho các hoạt động nhân đạo, nhưng một số người nghi ngờ rằng căn cứ này cuối cùng có thể được sử dụng cho các chiến dịch quân sự.


Căn cứ này hiện được dùng cho các cuộc tập trận Hổ mang Vàng, cuộc tập trận đa quốc gia lớn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương do Mỹ lãnh đạo. Ông Dempsey tuyên bố rằng "vị trí địa chiến lược và cam kết toàn cầu, cùng với một quân đội trưởng thành và nền kinh tế phát triển, đang khiến Thái Lan có nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác song phương".


Cũng tại Xinhgapo, ông Panetta đã đề cập đến Mianma. Trong khi thảo luận về quy mô ngày càng mở rộng của các quan hệ đối tác quân sự mới tại Đông Nam Á, nhất là vai trò của Mỹ trong việc nâng cấp quân đội của các quốc gia đối tác, ông Panetta tuyên bố rằng "chúng tôi sẽ khuyến khích kiểu quan hệ này với mọi quốc gia trong khu vực, kể cả Mianma".


Cho đến trước khi được Mỹ "ve vãn" thành công vào năm 2011, Mianma từng là một trong một vài đồng minh phụ thuộc của Trung Quốc tại châu Á.


Về quan hệ quân sự với Xinhgapo, ông Dempsey tuyên bố "tàu tuần duyên chiến đấu của Mỹ sẽ sớm được triển khai luân phiên tại Xinhgapo như một ví dụ của sự tăng cường can dự quân sự theo chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ". Xinhgapo nằm ở phía đông nam Eo biển Malắcca, nối Ấn Độ Dương với Biển Đông và là tuyến đường vận chuyển dầu mỏ chủ chốt từ Vịnh Pécxích sang các nền kinh tế Đông Á "đói dầu mỏ" là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.


Bằng việc thiết lập các quan hệ đối tác quân sự với 10 nước thành viên ASEAN, Mỹ đang xây dựng cơ sở cho một "phiên bản" NATO tại châu Á. NATO đã được mở rộng để bao vây, kiềm chế và cuối cùng là đối đầu với Nga, do vậy liên minh mới dự kiến cũng được sử dụng để bao vây, kiềm chế và cuối cùng là đối đầu với Trung Quốc.


TTXVN/Tin Tức