11:01 12/11/2012

Mỹ đã sa lầy ở Ápganixtan như thế nào?

Tính đến nay, cuộc chiến tranh xâm lược Ápganixtan của Mỹ và NATO đã tròn 11 năm, và từ cuộc chiến ấy, thế giới đã bị bất an hơn, nhân loại phải chứng kiến nhiều đau thương, tang tóc hơn.

LTS: Tính đến nay, cuộc chiến tranh xâm lược Ápganixtan của Mỹ và NATO đã tròn 11 năm, và từ cuộc chiến ấy, thế giới đã bị bất an hơn, nhân loại phải chứng kiến nhiều đau thương, tang tóc hơn. Cũng từ đấy, hình ảnh một nước Mỹ ”không thắng được ai” đã ngày một rõ nét hơn. Để giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quát hơn về cuộc chiến ấy, thấy rõ hơn Mỹ đã bị sa lầy ở Ápganixtan như thế nào, Báo Tin tức xin giới thiệu loạt bài mang tính tham khảo tổng hợp về vấn đề này.

 

Bài 1: Đánh nhanh, nhưng thắng nửa vời

 

Tại cuộc họp thượng đỉnh của Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Chicago, bang Illinois (Mỹ) hôm 20/5/2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố: “Chúng ta đã nhất trí với nhau về một kế hoạch nhằm chấm dứt một cách có trách nhiệm cuộc chiến tranh tại Ápganixtan”, và ông tái cam kết dứt khoát đến cuối năm 2014, tất cả quân Mỹ đang phục vụ ở Ápganixtan sẽ rời khỏi đấy, song ông cũng không giấu nổi vẻ mặt chán ngán khi thừa nhận rằng nước Mỹ vẫn chưa đạt được tất cả các mục tiêu của mình (ở đấy), nhưng kế hoạch rút quân, theo lời ông, là “không thể đảo ngược được”.


Như vậy là đã rõ: Mỹ đang rất muốn rời khỏi Ápganixtan. Cuộc chiến tranh kéo dài đã 11 năm nay, đây là một trong những cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Và cũng có điều người ta rất dễ nhận thấy là bây giờ, khi Tổng thống Obama tuyên bố rút quân khác hẳn với không khí lúc khai hỏa cuộc chiến do người tiền nhiệm G. Bush phát động. Khi ấy, một quyết định được đưa ra rất nhanh, để rồi quân Mỹ tiến đánh ồ ạt, đã chứng tỏ cho đối phương và toàn thiên hạ thấy rõ sức mạnh của bộ máy quân sự Mỹ. Nhưng nay, thay cho thế “chẻ tre” hồi ấy, Mỹ đang bị sa lầy ở Ápganixtan, sa lầy vào một cuộc xung đột, nơi mọi người không khó để nhìn thấy những điểm yếu cốt tử của người gây chiến.


Rõ ràng, thông báo của Tổng thống Obama đã được tính toán kỹ lưỡng cho cuộc bầu cử vào tháng 11 này, để người ta nghĩ là “cuộc chiến tranh đã hoàn thành”. Nhưng việc giới hạn lịch trình rút quân đã bị hoãn đến cuối năm 2014 cho thấy rõ rằng bất chấp tất cả những lời khẳng định, các nhà lãnh đạo Mỹ vẫn không tin chắc vào cách thức mà họ sẽ đạt được. Các nhà lãnh đạo của Lầu Năm Góc đã nói rằng họ dự định duy trì, trong 10 năm sau năm 2014, hàng nghìn quân không chiến đấu ở Ápganixtan làm “các nhà huấn luyện và cố vấn”. Tờ Washington Post đã dẫn lời một vài nhà lãnh đạo Mỹ giấu tên cho biết, quân đội Mỹ đã quyết định duy trì 10.000 - 30.000 binh lính tại Ápganixtan sau năm 2014. Và báo cáo của cơ quan này cho biết, một bộ phận lớn quân đội này sẽ gồm các lực lượng đặc biệt đảm nhận “sứ mệnh chống khủng bố”. Điều đó có nghĩa là sau thời hạn năm 2014, các cuộc chiến chống khủng bố, theo cách gọi của Mỹ, sẽ vẫn tiếp tục diễn ra ở Ápganixtan.

 

Một “thắng lợi lịch sử ”?


Mỹ đã tiến hành cuộc chiến ở Ápganixtan bởi vì họ muốn trả đũa cho các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại New York và Oasinhtơn. Và vụ này đã chứng tỏ rằng siêu cường Mỹ có một gót chân Asin Achilles. Bộ máy nhà nước Mỹ đã quyết định là Mỹ phải giáng trả bằng một cuộc biểu dương lực lượng thật ấn tượng, và thế là cuộc chiến ở Ápganixtan được khai hỏa.


Ápganixtan đã được chọn làm mục tiêu vì chính quyền Bush lúc bấy giờ cho rằng vụ tấn công khủng bố 11/9 được bắt nguồn từ đấy. Và Mỹ cáo buộc quân Taliban cầm quyền đã che chở tên trùm khủng bố Osama bin Laden. Điều này hoàn toàn không chính xác, bởi vì các tài liệu điều tra sau đó cho thấy quân Taliban không hề liên quan gì đến cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9, thậm chí các thủ lĩnh Taliban còn đề nghị giao nộp Bin Laden, nhưng chính quyền Bush đã từ chối bằng cái cười khẩy.


Phải khẳng định rằng những lý do thực sự tiến hành chiến tranh chống Ápganixtan liên quan đến chủ nghĩa cơ hội quân sự. Việc Mỹ muốn gây ấn tượng, muốn phô trương sức mạnh của mình và muốn đổ tội cho Ápganixtan dường như là một trò chơi của người… chưa trưởng thành, bởi nơi đây là một trong những nước nghèo nhất hành tinh và đã bị tàn phá bởi hai thập kỷ chiến tranh. Hơn nữa, quân Taliban cầm quyền lúc bấy giờ thậm chí còn không kiểm soát được toàn bộ đất nước. Ở đó có một lực lượng chiến đấu trên thực địa mà Mỹ có thể dựa vào để tiến hành phần lớn các cuộc chiến: Liên minh phương Bắc, một nhóm lãnh chúa chiến tranh từng có thời gian dài liên minh với CIA. Chính quyền Bush đã tính toán rằng chỉ cần tốn kém rất ít là có thể tiêu diệt được Ápganixtan của Taliban và coi đây là cơ hội để phô diễn được trước thế giới một cuộc biểu dương lực lượng Mỹ mà không tốn kém.


Cuộc chiến chống Ápganixtan được tiến thành nhanh chóng và đầy ấn tượng một cách cố ý, được chiếu trên vô tuyến truyền hình trên khắp thế giới. Các trận ném bom hàng loạt bắt đầu diễn ra vào ngày 9/10/2001, chưa đầy một tháng sau vụ tấn công khủng bố 11/9. Trong nhiều tuần tiến hành không kích, máy bay Mỹ và các tên lửa hành trình đã tàn phá Ápganixtan bằng những trận bom dải thảm và các loại vũ khí hiện đại. Mỹ chỉ phái tới thực địa một lực lượng lục quân nhỏ, khoảng 1.000 nhân viên CIA và các lực lượng đặc biệt đã hợp tác với Liên minh phương Bắc để tiến hành chiến tranh. Quân Taliban dường như đã chịu bó tay, và vào đầu tháng 12 năm ấy, lực lượng này đã phải rút khỏi Kandahar, cứ điểm cuối cùng của họ, khi không kháng cự được gì đáng kể. Khi cuộc chiến tranh này kéo dài mới được hai tháng, nhưng nó đã giết chết hàng nghìn người Ápganixtan, song không một lính Mỹ nào bị bỏ mạng, và vì thế, lúc bấy giờ nó đã được các phương tiện thông tin đại chúng của Mỹ tung hô như một “đại thắng lợi”.


Phạm Phú Phúc (P/v TTXVN tại New York)

 

Đón đọc bài 2: Chưa kịp mừng công, chiến tranh lại gõ cửa