11:23 12/11/2012

Mỹ đã sa lầy ở Ápganixtan như thế nào? - Bài 2: Chưa kịp mừng công, chiến tranh lại gõ cửa

Sau chiến thắng chớp nhoáng ấy, Mỹ đã lập ra một chính phủ mới và một quân đội mới ở Ápganixtan. Dựa vào các lực lượng phương Bắc, Mỹ đã ban cho các lãnh chúa chiến tranh các chức vụ chủ chốt trong chính quyền mới, và Mỹ đã thực thi một sự kiểm soát triệt để cho tới tận các chính quyền địa phương.

Sau chiến thắng chớp nhoáng ấy, Mỹ đã lập ra một chính phủ mới và một quân đội mới ở Ápganixtan. Dựa vào các lực lượng phương Bắc, Mỹ đã ban cho các lãnh chúa chiến tranh các chức vụ chủ chốt trong chính quyền mới, và Mỹ đã thực thi một sự kiểm soát triệt để cho tới tận các chính quyền địa phương. Các dân quân ở những vùng xa xôi, hẻo lánh trở thành cơ sở cho quân đội Ápganixtan mới.

 

Nhưng ngay lúc bấy giờ, Mỹ đã cảm nhận được rằng có một số điều phiền phức khi họ dựa quá nhiều vào Liên minh phương Bắc, một lực lượng gồm chủ yếu người Tadjik và người Uzbek, trừ nhóm sắc tộc lớn nhất là Pashtun, có căn cứ ở phía nam và xuất thân từ Taliban. Để giải quyết tạm thời điều phiền phức này, Mỹ đã đưa Hamid Karzai, xuất thân từ một gia đình làm chính trị người Pashtun hàng đầu của vùng Kandahar ở phía nam, làm tổng thống mới của Ápganixtan. Vì Hamid Karzai đã từng sống ở ngoài nước trong nhiều năm nên các lực lượng đặc biệt Mỹ và CIA đã phải vội vã đưa ông ta trở về nước một cách lén lút khi các cuộc giao chiến vẫn diễn ra, và gấp rút làm tất cả để “dựng” ông lên.


Phần lớn các chính phủ trên thế giới đều hoan nghênh chiến dịch của Mỹ tại Ápganixtan. Ngày 6/12, tức là 10 ngày trước khi quân Taliban rời khỏi Kandahar, Liên hợp quốc đã mở một hội nghị tại Đức để chỉ định một chính phủ mới ở Ápganixtan. Hai tuần sau, Hội đồng Bảo an LHQ đã cho phép thiết lập một lực lượng duy trì hòa bình tại Ápganixtan, và đây là nghị quyết đầu tiên tạo vỏ bọc hợp pháp cho sự có mặt của quân đội nước ngoài tại Ápganixtan sau khi Mỹ đã ở đó được hơn hai tháng. Tháng tiếp đó, các chính phủ của hơn 60 quốc gia đã ủng hộ vô điều kiện, không tính toán và thuộc đủ loại cho Ápganixtan, nhất là về tài chính, một phần cũng là để… lấy lòng Mỹ.


Thế là Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh ở Ápganixtan và giải quyết tức thì những hậu quả lúc bấy giờ của nó chỉ trong vòng vài tháng. Và những tưởng thế là sẽ mãi mãi gấp tập hồ sơ Ápganixtan lại, giúp cho chính quyền Mỹ trở về với cái họ thực sự thèm khát: Irắc và dầu lửa của đất nước này. Với sự cổ súy của Mỹ, rất nhanh chóng các cơ quan báo chí Mỹ và phương Tây đã nhào đến Ápganixtan để bênh vực Mỹ trong cuộc chiến ấy, tung hô những “thành công vang dội” của Mỹ tại đây, để rồi họ lại cũng nhanh chóng theo chân những người lính Mỹ tới khai phá một chiến trường mới, nơi mà Oasinhtơn cứ khăng khăng rằng chính quyền ở đấy đang tàng trữ nhiều loại vũ khí giết người hàng loạt: Irắc. Và đương nhiên, Ápganixtan đã không còn được Mỹ quan tâm nhiều nữa, vì coi như “đã xong”. Nhưng, chỉ có điều người Mỹ đã không học hết chữ ngờ…

 

Trở lại chiến tranh


Gia đình nhà Hamid Karzai và các lãnh chúa chiến tranh được Mỹ hậu thuẫn đã nhanh chóng củng cố quyền lực của mình. Họ đã tiến hành một cuộc càn quét sắc tộc và những cuộc trả thù chống hàng nghìn người Pashtun tại các ngôi làng ở phía bắc và phía tây đất nước, buộc một số khác phải trốn về phía nam, không có ruộng đất, không nhà cửa và không công ăn việc làm. Tại các tỉnh phía nam, nơi quân Taliban hùng mạnh nhất, họ đã trao quyền cho những người hùng khu vực bị thất thế, và không được chính quyền Karzai tin dùng.


Điều đáng nói nữa là các thủ lĩnh chiến tranh đã lợi dụng vị trí của họ để buôn lậu, cướp bóc, trộm cắp và hãm hiếp, giấu mình sau một chủ nghĩa theo trào lưu chính thống tôn giáo tàn bạo. Và nhất là việc các lãnh chúa chiến tranh đã chiếm đoạt tiền từ sự chiếm đóng của Mỹ và đem gửi ở các ngân hàng nước ngoài. Chưa hết, họ còn đẩy mạnh việc sản xuất thuốc phiện mà quân Taliban trước đây đã thanh toán được gần như hoàn toàn. Tháng 5/2001, tức là 5 tháng trước khi diễn ra cuộc chiến này, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Colin Powell đã thông báo một khoản viện trợ 43 triệu USD dành cho chính phủ Taliban để hủy bỏ việc trồng cây thuốc phiện. Tiếc rằng sau “thắng lợi” của Mỹ, khi các lãnh chúa chiến tranh trở lại cầm quyền, thì việc sản xuất thuốc phiện lại gia tăng, từ 190 tấn năm 2001 lên tới 3.000 tấn năm 2003, chiếm 60% sản lượng của toàn thế giới; rồi đến 2007, sản lượng loại cây trồng chết người này đã đạt tới 8.200 tấn vì nó đã được chính quyền mới thân Mỹ mở rộng tới tất cả các tỉnh.


Như trên đã nói, Mỹ tuyên bố chiến thắng ở Ápganixtan, và tập trung chuẩn bị cho chiến trường mới ở Irắc, trong khi họ thừa biết chính lúc đưa ra tuyên bố như vậy, các cuộc giao tranh giữa họ cùng chính quyền mới với Taliban chưa bao giờ ngừng hoàn toàn ở miền nam nước này. Các đồn tiền tiêu của các lính Mỹ ở đây thường xuyên phải hứng chịu những trận rốc két và súng cối. Để “dẹp loạn”, tháng 3/2002, Mỹ đã tiến hành một chiến dịch trên qui mô lớn nhằm tiêu diệt tàn quân Taliban, và nó cũng được tuyên bố là thành công. Nhưng chỉ vài tháng sau, các đồn biên phòng của chính quyền mới ở Ápganixtan thuộc các tỉnh miền nam đã bắt đầu phải chịu các cuộc tấn công thường xuyên từ phía Taliban. Chưa hết, các “mục tiêu mềm”, gồm các nhà dân sự nước ngoài làm việc cho LHQ, các tổ chức nhân đạo khác nhau, cũng như các tổ chức phi chính phủ đến từ nhiều nơi trên thế giới, đã được Taliban chọn lựa, và chúng cũng liên tục bị tấn công.


Trước thực trạng của chiến thắng nửa vời ấy, Mỹ buộc phải tăng dần quân số ở Ápganixtan. Năm 2002, biên chế quân Mỹ ở đây đã tăng gấp đôi, đạt 9.000 quân, và còn tăng thêm 4.000 quân nữa vào năm 2003. Do thấy trước mối nguy hiểm của nơi vừa bình định xong, Lầu Năm Góc lúc bấy giờ đã nhiều lần phàn nàn rằng quân số như vậy là quá ít, song lực bất tòng tâm, vì họ đang phải ráo riết chuẩn bị cho cuộc chiến tranh mới ở Irắc, nên quân số không dư giả gì. Vì thế, các nhà lãnh đạo Mỹ đã bắt đầu tính chuyện buộc các đồng minh trong NATO, và các nước thân cận không thuộc NATO ở Mỹ Latinh và những nơi khác nữa, phải gửi thêm quân tới nơi mà cách đấy chưa lâu Mỹ đã tuyên bố chiến thắng.


Phạm Phú Phúc (P/v TTXVN tại New York)


Đón đọc bài 3: Hậu họa từ chính sách dùng - thải, rồi lại dùng…