06:23 08/06/2011

Mỹ có thể thực hiện gói kích thích kinh tế lần thứ ba

Báo Văn Hối của Hồng Công ngày 7/6 đăng bài của Sử Lý Sinh, Chủ tịch Công ty Quản lý Tài sản Up Way, cho biết cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nổ ra tính tới nay đã được 3 năm, nhưng tương lai kinh tế Mỹ tươi sáng hay ảm đạm vẫn rất khó đoán bởi sự hồi phục chưa vững vàng.

Báo Văn Hối của Hồng Công ngày 7/6 đăng bài của Sử Lý Sinh, Chủ tịch Công ty Quản lý Tài sản Up Way, cho biết cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nổ ra tính tới nay đã được 3 năm, nhưng tương lai kinh tế Mỹ tươi sáng hay ảm đạm vẫn rất khó đoán bởi sự hồi phục chưa vững vàng. Đồng thời, so với những lần suy thoái trước, sự hồi phục của kinh tế Mỹ trong lần suy thoái này có tốc độ thấp nhất.

Tại sàn giao dịch chứng khoán Niu Oóc. AFP/ TTXVN

Còn nhớ vào những năm 1980 và 1990, kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, trong năm phục hồi đầu tiên sau suy thoái (1983 và 1992), tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ lần lượt là 8,7% và 5,7%. Năm 2002, sau đợt suy thoái ngắn và nhẹ, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ cũng đạt tới 3,4%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của Mỹ năm 2010 - năm phục hồi đầu tiên sau khủng hoảng tài chính 2008 - chỉ là 2,9%, thậm chí bước sang năm 2011 này còn xuất hiện dấu hiệu đi xuống.

Thực tế cho thấy những điều chỉnh về thị trường bất động sản là nguyên nhân trực tiếp gây ra cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn vừa qua, dẫn đến khủng hoảng tài chính. Nhưng hiện nay, khi kinh tế bắt đầu phục hồi, giá nhà ở Mỹ vẫn giảm. Trong khi đó, số hồ sơ nhà đất bị treo (không tiếp tục được cung cấp tín dụng) không ngừng tăng, từ 263.000 trường hợp/tháng của năm 2008 leo thang lên 330.000 trường hợp/tháng của năm 2009, tiếp tục tăng trong năm 2010 và tới nay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Thậm chí, thị trường bất động sản Mỹ có thể sẽ điều chỉnh sâu hơn bởi tình hình kinh tế và việc làm của nước này khó được cải thiện.

Sự điều chỉnh của thị trường bất động sản sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với kinh tế Mỹ? Trước tiên, bất động sản là trụ cột kinh tế Mỹ với tổng giá trị gấp đôi GDP của nước này. Kế đó, bất động sản và các hoạt động liên quan chiếm 27% GDP của Mỹ. Tổng tín dụng nhà đất của Mỹ hiện là 14.000 tỉ USD, chiếm 1/3 tổng tín dụng của ngân hàng. Từ đó có thể thấy nếu không có sự phối hợp chính sách đối với thị trường bất động sản, phục hồi kinh tế chỉ là viển vông.

Một yếu tố khác là lũy kế nợ chính phủ và nợ cá nhân ở Mỹ đã tới ngưỡng nguy hiểm. Dưới thời Tổng thống G.Bush, nợ chính phủ của Mỹ tăng từ mức 5.700 tỉ USD lên trên 10.000 tỉ USD. Sau “sóng thần tài chính”, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã vượt qua mốc 14.000 tỉ USD và "ngấp nghé bờ vực phá sản" như lời của Giáo sư Kotlikoff thuộc Đại học Boston.

Nhằm cứu vớt thị trường chao đảo trong sóng gió và nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng, cuối năm 2008, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bắt đầu duy trì chính sách lãi suất thấp và hai lần thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Nhưng việc thực hiện các chính sách chưa từng có trong lịch sử này không phải không có rủi ro. Cái giá phải trả có thể chính là bong bóng giá tài sản và lạm phát phi mã.

Chịu sự ràng buộc của các nhân tố kết cấu nêu trên, xu thế suy yếu của kinh tế Mỹ khó có thể thay đổi trong thời gian ngắn. Trong bối cảnh đó, việc rút gói kích thích rõ ràng sẽ làm kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng họa vô đơn chí. Hơn nữa, kể từ khi xảy ra “sóng thần tài chính” tới nay, các chính sách kinh tế mà Mỹ đưa ra vẫn đi theo cách làm nhất quán xưa nay: Xử lý vấn đề mất cân bằng kinh tế thông qua việc sử dụng đi sử dụng lại công cụ tiền tệ - nới lỏng định lượng. Cho nên, Mỹ xem ra khó tránh được gói kích thích kinh tế lần thứ ba.

Lo lắng về khả năng kinh tế chạm đáy lần nữa có thể khiến FED đưa ra gói kích thích kinh tế mới. Mục đích chủ yếu của gói kích thích kinh tế lần thứ ba sẽ giống với gói lần trước, tức là trợ giúp thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản Mỹ. Tuy chính sách này có thể giúp thị trường bất động sản khởi sắc, nhưng sẽ lại khiến giá dầu và lạm phát tăng trở lại.

Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)