Bộ Ngoại giao Mỹ vừa lên tiếng chỉ trích các quy định của Liên minh châu Âu (EU) về kiểm soát nội dung trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến, cho rằng đây là hình thức kiểm duyệt có tính chất "Orwellian" và không phù hợp với nguyên tắc tự do ngôn luận.
Quốc kỳ Mỹ (trái) và cờ Liên minh châu Âu (EU). Nguồn: usmission.gov/TTXVN
Theo tờ Politico ngày 22/7, trong một bài đăng trên mạng xã hội, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Thông điệp kiểu Orwell này sẽ không đánh lừa được nước Mỹ. Kiểm duyệt không phải là tự do”. Bài đăng cho rằng tại châu Âu hiện có hàng nghìn người bị kết án vì các phát ngôn chỉ trích chính phủ. Quan điểm này từng được Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance đề cập hồi đầu năm nay.
Dù không đưa ra các ví dụ cụ thể, bài viết của Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhắc đến Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (Digital Services Act - DSA) của EU, được xem là bộ quy tắc điều chỉnh hoạt động của các nền tảng công nghệ và mạng xã hội lớn, chính thức có hiệu lực từ năm 2022. Theo đánh giá của phía Mỹ “DSA chỉ bảo vệ các nhà lãnh đạo châu Âu khỏi chính người dân của họ”.
DSA được giới chức EU cho là một trong những khuôn khổ pháp lý toàn diện nhất thế giới trong việc quản lý nội dung trực tuyến, yêu cầu các nền tảng công nghệ lớn hành động quyết liệt hơn trong việc xử lý thông tin sai lệch, ngôn ngữ thù hận và nội dung vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ lo ngại rằng các quy định này có thể bị lạm dụng, làm giảm quyền tự do ngôn luận và cản trở hoạt động bình thường của các nền tảng truyền thông.
Một số công ty công nghệ lớn của Mỹ như Meta và X đã từng vướng phải các vụ kiện tụng và điều tra tại châu Âu dựa trên các quy định của DSA.
Ở chiều ngược lại, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đang tăng cường biện pháp giám sát nội dung mạng xã hội, đặc biệt đối với công dân nước ngoài khi làm thủ tục nhập cảnh vào Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ đạo các cơ quan lãnh sự đánh giá kỹ lưỡng hồ sơ, trong đó cần xác định các dấu hiệu “thù địch với công dân, văn hóa, chính phủ, thể chế hay các nguyên tắc lập quốc của Mỹ”.
Phát biểu mới nhất từ Bộ Ngoại giao Mỹ được nhìn nhận là sự tiếp nối các chỉ trích trước đây của chính quyền Tổng thống Trump đối với chính sách kiểm soát nội dung số của EU. Hồi tháng 3, ông Brendan Carr - Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) - từng cảnh báo tại Diễn đàn Mobile World Congress rằng các quy định của EU có thể đe dọa nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận toàn cầu.
Trước đó, tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra vào tháng 2, Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại rằng một số chính phủ châu Âu đang “rời xa những giá trị nền tảng” của phương Tây như tự do cá nhân và nền dân chủ tự do.
Đến tháng 5, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio công bố chính sách hạn chế thị thực mới, nhắm vào các quan chức nước ngoài được cho là có liên quan đến việc kiểm duyệt nội dung mà công dân Mỹ đăng tải trên không gian mạng. Chính sách này chủ yếu nhắm tới một số quốc gia ở Mỹ Latinh và châu Âu.
Tính đến thời điểm hiện tại, EU chưa đưa ra phản hồi chính thức trước các phát ngôn từ phía Washington. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới quan sát, căng thẳng giữa Mỹ và EU trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là liên quan đến quản lý nội dung trực tuyến, đang có dấu hiệu gia tăng. Điều này cho thấy sự khác biệt rõ nét trong cách tiếp cận của hai bên về quyền tự do ngôn luận, vai trò của nhà nước và phạm vi điều chỉnh đối với các nền tảng số.