10:14 02/10/2014

Mỹ chật vật với hệ lụy ở Trung Đông

Không có nhiều lựa chọn, một lần nữa nước Mỹ miễn cưỡng đóng vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống khủng bố với một đối thủ mạnh hơn và tàn bạo hơn al- Qaeda của hơn 10 năm trước.

Không có nhiều lựa chọn, một lần nữa nước Mỹ miễn cưỡng đóng vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống khủng bố với một đối thủ mạnh hơn và tàn bạo hơn al- Qaeda của hơn 10 năm trước. Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với an ninh và chính sách đối ngoại của Nhà Trắng trong những năm tới. Trớ trêu, trong cuộc chiến này, Mỹ phải dọn dẹp những hệ lụy từ chính sách sai lầm của mình đối với Trung Đông.


Cuộc chiến dài hơi


Không phải vô tình ít ngày sau khi các chiến đấu cơ và máy bay không người lái của Mỹ cùng các đồng minh Đại Tây Dương cũng như trong thế giới Arab không kích nhiều mục tiêu của IS trong lãnh thổ Iraq và Syria, Tổng thống Mỹ Barack Obama đăng đàn với thừa nhận gây chấn động: Mỹ đã đánh giá thấp đã mối đe dọa từ các tay súng IS, trong khi lại đánh giá quá cao khả năng cũng như sự quyết tâm của quân đội Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố này. Những sai lầm này đã biến hai quốc gia trên trở thành “vùng đệm an toàn của các tay súng Hồi giáo thánh chiến trên khắp thế giới".

Không kích IS ở Syria, Mỹ đang phải giải quyết những hệ lụy do chính mình gây ra

 

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner nói rằng Mỹ có thể sẽ "không có lựa chọn" nào khác ngoài việc phải triển khai bộ binh nếu các cuộc không kích của Mỹ cùng chiến dịch tấn công trên bộ - với sự phối hợp giữa quân đội Iraq, các tay súng người Kurd và quân nổi dậy Syria mà Mỹ cho là “ôn hòa” đang nhanh chóng được huấn luyện - không thể hoàn thành mục tiêu đã đề ra.


Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một lực lượng đối lập vững mạnh trên thực địa nhằm đẩy lùi nhóm IS tại Syria. Theo ông Dempsey, để có thể tái chiếm những vùng lãnh thổ bị mất ở đông Syria, cần đào tạo và trang bị vũ khí cho 12.000 - 15.000 chiến binh đối lập, gấp 3 lần số tay súng sẽ được Mỹ huấn luyện trong năm sau.


Theo giới phân tích, những phát biểu này mang nhiều màu sắc “dọn đường” cho khả năng Mỹ sẽ phải triển khai bộ binh trở lại chiến trường Iraq, trong khi người dân không mấy hào hứng và trong chính giới không phải không có những hoài nghi. Điều này cho thấy Mỹ đang “lên gân” cho một cuộc chiến dài hơi.


Thực tế, những quan ngại là hoàn toàn có cơ sở khi nước Mỹ phải mất hơn một thập kỷ để khép lại hai cuộc chiến hao người tốn của tại Iraq (1.000 tỷ USD) và Afghanistan (800 tỷ USD). Thêm vào đó là một nền kinh tế chồng chất khó khăn trong giai đoạn hậu “bão” tài chính được đánh giá là tồi tệ kể từ Cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước. Người dân Mỹ phải chấp nhận một ngân sách bị thâm thủng nghiêm trọng vì vận hành cỗ máy chiến tranh. Đổi lại, hình ảnh nước Mỹ dường như cũng không mấy được cải thiện, trong khi trong suy nghĩ của một bộ phận tín đồ Hồi giáo, nước Mỹ đồng nghĩa với chiến tranh và đất nước chia rẽ.


Xử lý các hệ lụy


Thực tế diễn ra đã phản ánh sự điều chỉnh trong chiến lược toàn diện của chính quyền Tổng thống Obama, theo đó thay đổi nguyên tắc giải quyết khủng hoảng của Nhà Trắng với chủ trương hạn chế tối đa can thiệp quân sự và đẩy Mỹ lên tuyến đầu. Điều này khác hẳn với định hướng của Nhà Trắng trong hơn 6 năm cầm quyền vừa qua của ông Obama, theo đó chú trọng mục tiêu khép lại hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, hạn chế can thiệp quân sự tại Trung Đông và hạn chế thể hiện vai trò đầu tàu của Washington trong các cuộc chiến.


Trớ trêu là ở chỗ IS và nhiều tổ chức cực đoan khác là một trong những hệ lụy từ sự can dự của Mỹ vào Trung Đông nhiều thập kỷ qua. Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã huy động các lực lượng Hồi giáo phản động nhất và lạc hậu nhất ở khu vực Trung Đông để chống lại các nhà lãnh đạo có tư tưởng dân tộc thế tục bị coi là những đồng minh tiềm năng của Liên Xô hoặc bị coi là một mối đe dọa trực tiếp đối với lợi ích của Mỹ và châu Âu ở Trung Đông. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã tài trợ và huy động những người Hồi giáo cánh hữu ở Iran tiến hành cuộc đảo chính năm 1953 để hạ bệ Thủ tướng có tư tưởng tự do Mohammed Mossadegh. Mỹ cũng quan hệ với các lực lượng tương tự ở Ai Cập, trong đó có "Tổ chức Anh em Hồi giáo", để phá hoại chế độ của Tổng thống Gamal Abdel Nasser - người đã quốc hữu hóa kênh đào Suez và đứng về phía Liên Xô.


Năm 1977, CIA đã ủng hộ một cuộc đảo chính do Muhammad Zia-ul-Haq tiến hành ở Pakistan để lập ra một chế độ dựa trên chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Tại vùng Vịnh Persia, sau khi người Iran tiến hành cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, lật đổ chế độ quân chủ ở nước này, Mỹ đã liên minh với chế độ quân chủ ở quốc gia láng giềng của Iran là Saudi Arabia. Cũng cần phải nói thêm rằng chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo liên quan trực tiếp đến bạo lực khủng bố nhờ những khoản tài trợ rất lớn của Mỹ vào cuối những năm 1970 để chống lại chính phủ thân Liên Xô ở Afghanistan. CIA còn hợp tác với Saudi Arabia và Pakistan để tuyển mộ những phần tử cực đoan Hồi giáo trên toàn thế giới, đào tạo chúng trong việc chế tạo bom và các chiến thuật khủng bố khác, đưa chúng tới chiến trường Afghanistan để chống lại Liên Xô, và chính trong số này có trùm khủng bố Osama bin Laden.


Cuộc xâm lược và chiếm đóng Iraq của Mỹ đã tàn phá đất nước này. Sử dụng chiến lược "chia để trị", sự chiếm đóng đó đã gây ra sự chia rẽ phe phái giữa người Shi'ite và người Sunni, dẫn đến hậu quả là tăng cường sức mạnh cho al-Qaeda ở Iraq trên cơ sở dựa vào người Sunni, rồi lập ra cái gọi là "Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và vùng Levant" (ISIL), tiền thân của IS bây giờ. Nói cách khác, việc Mỹ xâm lược Iraq năm 2003 đã mở đường cho al-Qaeda vào Iraq, rồi phát triển rất mạnh ở đó để có IS ngày nay.


Đây rõ ràng không phải là một cuộc chiến đơn thuần giữa Mỹ và các thế lực thánh chiến, mà sâu xa hơn là Mỹ đang phải giải quyết những hậu quả từ cách tiếp cận sai lầm và thiếu thân thiện của mình trước đây tại các điểm nóng ở Trung Đông. Đó chắc chắn sẽ không phải là một cuộc chiến dễ dàng.

 

Phương Hồ