09:10 30/09/2015

Mỹ cam kết "chiến dịch lâu dài" chống IS

Tái khẳng định quyết tâm tiêu diệt lực lượng "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 29/9 đã cam kết triển khai một "chiến dịch lâu dài".


Phát biểu tại hội nghị cấp cao chống khủng bố với sự tham dự của khoảng 100 nhà lãnh đạo, được tổ chức bên lề khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), Tổng thống Mỹ nhấn mạnh đây không phải một cuộc chiến thông thường, "chiến dịch lâu dài" chống IS không chỉ để tiêu diệt riêng mạng lưới này mà còn cả ý thức hệ của nó, sử dụng mọi nguồn lực để đánh bại nhóm phiến quân cực đoan này cả trên chiến địa và về mặt tư tưởng.

Theo Tổng thống Obama, tại Iraq và Syria, nơi IS đang kiểm soát một diện tích rộng lớn, phiến quân này đang bị các quốc gia và một liên minh quốc tế rộng lớn bao vây với quyết tâm tiêu diệt bằng được IS. Trong khi đó, trên toàn cầu, đang có một làn sóng mới phản đối chủ nghĩa cực đoan, yếu tố cần thiết để IS tồn tại. Tuy nhiên, Tổng thống Obama nhận định cuộc chiến này không phải là một nhiệm vụ dễ dàng và phương pháp hiện tại cần thêm thời gian.

Tổng thống Mỹ kêu gọi những nỗ lực mới để ngăn tổ chức cực đoan này lôi kéo thêm người gia nhập, khẳng định đây là mục tiêu tiên quyết. Ảnh: AFP/TTXVN

Đề cập riêng đến cuộc chiến chống IS ở Syria, Tổng thống Mỹ vẫn khẳng định quan điểm Syria cần một "lãnh đạo mới" để có thể đánh bại được lực lượng khủng bố này. Ông Obama cũng cho biết Mỹ sẵn sàng phối hợp với Nga và Iran "để bắt đầu một tiến trình chuyển tiếp tại Syria".

Cuộc chiến chống IS tiếp tục là chủ đề nóng trong các hội nghị chống khủng bố toàn cầu khi mà số phần tử cực đoan nước ngoài đến Trung Đông để gia nhập hàng ngũ thánh chiến ngày càng gia tăng và chiến dịch không kích của liên minh do Mỹ dẫn đầu tại đây không đạt hiệu quả đáng kể. Theo một báo cáo mới công bố, gần 30.000 người chiến binh nước ngoài đã tới Iraq và Syria kể từ năm 2011 đến nay.

Cũng liên quan đến vấn đề Syria, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Ya’alon ngày 29/9 khẳng định nước này sẽ không hợp tác với Nga trong các hoạt động quân sự tại Syria bất chấp việc lãnh đạo hai nước đã đề cập đến khả năng phối hợp hành động tại quốc gia Trung Đông này.

Phản ứng của Israel được đưa ra sau khi Nga bày tỏ thái độ không hài lòng với một cuộc không kích của quân đội Israel nhằm vào các vị trí của của quân đội Syria nhằm trả đũa việc một quả đạn cối rơi vào khu vực Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát.

Sau khi nhiều nguồn tin khẳng định Nga đã tăng cường viện trợ quân sự cho Syria, Thủ tướng Israel B.Netanyahu mới đây đã tới Nga với hy vọng thiết lập cơ chế phối hợp giữa hai bên nhằm tránh các cuộc đụng độ giữa máy bay của hai nước trên không phận Syria, nơi Israel thường tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu mà nước này cho rằng của các lực lượng khủng bố.

TTXVN/Tin Tức