04:09 13/04/2018

Mỹ bối rối khi Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga

Khi nguy cơ đối đầu giữa Nga và Mỹ tại Syria đang ngày càng gia tăng, Washington liền tìm đến các đối tác châu Âu như Pháp, Anh để nhận được ủng hộ nhưng lại không đả động đến đồng minh then chốt trong khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ vốn chung đường biên giới với Syria và tương tự như Mỹ, cũng có quan điểm không ủng hộ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, ở thời điểm "nóng" tại Syria, Mỹ đã không tìm đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ngồi cùng bàn với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và Iran Hassan Rouhani trong hội nghị 3 bên về Syria tổ chức tại Ankara ngày 4/4 và đưa ra tuyên bố chung. Hội nghị này được đánh giá là đã mang lại kết quả tích cực.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin (phải). Ảnh: Sputnik

Tờ Guardian (Anh) nhận định hiện nay các chính khách Mỹ đều băn khoăn rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang đứng về phe nào bởi trong thời gian qua nhà lãnh đạo này đã xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Nga.

Sau cuộc đảo chính bất thành năm 2016 tại Ankara, mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã nảy sinh rạn nứt. Khi đó, Tổng thống Erdogan khẳng định cuộc đảo chính có liên quan tới giáo sĩ Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong ở Mỹ.

Mối quan hệ giữa hai đồng minh thêm phần khó xử khi Mỹ ủng hộ lực lượng người Kurd chống chính phủ tại Syria còn Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng này là khủng bố. Tình hình càng trở nên rắc rối khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đội đến Afrin ở Tây Bắc Syria để đương đầu với các tay súng người Kurd.

Cũng trong cuộc đảo chính năm 2016, Tổng thống Putin đã lên tiếng ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ đó đến nay, mối quan hệ song phương Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng không ngừng ở các khía cạnh như năng lượng hạt nhân, đường ống dẫn khí, du lịch, đầu tư và vũ khí...

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng hợp tác quốc phòng giữa quốc gia này và Nga đang ngày càng thân thiết, đơn cử như thỏa thuận 2 tỉ USD, trong đó Moskva chuyển giao cho Ankara hệ thống phòng không đáng gờm S-400. Trong khi đó, hợp tác quốc phòng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ lại có phần chững lại.

Do hạn chế của Ankara, các chiến dịch của Không quân Mỹ tại căn cứ Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ), gần với biên giới Syria đã giảm quy mô. Trong tháng 1, một phi đội A-10 “Warthog” tấn công mặt đất của quân đội Mỹ được điều tới Afghanistan và chỉ còn lại lẻ loi một máy bay tiếp liệu đồn trú ở căn cứ Incirlik.

Năm 2017, một thành viên khác của NATO là Đức đã phải ngậm ngùi rút lực lượng khỏi Incirlik sau bất đồng giữa Berlin với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới nhân quyền và luật pháp. Những chiến đấu cơ của Đức, vốn tham gia tấn công mục tiêu tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq, sau đó được chuyển tới Jordan.

Chính phủ của Tổng thống Erdogan ban đầu cáo buộc Chính phủ Syria chịu trách nhiệm trong vụ tấn công nghi sử dụng hóa học tại Douma ngày 7/4, căn nguyên của căng thẳng hiện nay giữa Nga và phương Tây. Tuy nhiên, sau khi điện đàm cùng người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 9/4, Tổng thống Erdogan đã thay đổi giọng điệu và kêu gọi mở “điều tra kỹ lưỡng”.

Trên thực tế, trong tháng 11/2015, mối quan hệ Moskva-Ankara từng leo thang căng thẳng khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiến đấu cơ Nga ở khu vực biên giới với Syria. Nga đã trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ bằng việc áp dụng lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, từ đó tới nay, quan hệ giữa hai nước đang tan băng một cách nhanh chóng.

Hà Linh/Báo Tin tức