12:06 09/12/2017

Mỹ bị cô lập tại cuộc họp khẩn của HĐBA LHQ về Jerusalem

Tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 8/12, Mỹ đã rơi vào thế bị cô lập khi lần lượt các quốc gia chỉ trích quyết định của Nhà Trắng công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Điều phối viên của LHQ về tiến trình hòa bình Trung Đông, ông Nikolay Mladenov. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, cuộc họp được triệu tập theo yêu cầu của 8 quốc gia thành viên HĐBA và chủ yếu mang tính hình thức vì không có kế hoạch bỏ phiếu bất kỳ nghị quyết nào. Thay vào đó, đây là dịp để các quốc gia thành viên HĐBA cùng bày tỏ sự phản đối đối với quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc di chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Israel từ Tel Aviv tới Jerusalem.
 
Phát biểu tại cuộc họp, Điều phối viên của LHQ về tiến trình hòa bình Trung Đông, ông Nikolay Mladenov cảnh báo quyết định của Mỹ có thể dẫn đến vòng xoáy bạo lực giữa người Palestine và những người phẫn nộ trước hành động của ông Trump.

Trong khi đó, Đại sứ Anh tại LHQ ông Matthew Rycroft thẳng thừng nói rằng Anh không đồng ý với quyết định của ông Trump, đồng thời hối thúc Tổng thống Mỹ đưa ra được những đề xuất chi tiết về một hiệp ước hòa bình Israel - Palestine. Còn Đại sứ Ai Cập tại LHQ cho rằng quyết định của Mỹ sẽ "gây tác động tiêu cực" đối với tiến trình hòa bình.
 
Về phía Mỹ, tại cuộc họp, Đại sứ Nikki Haley đã bào chữa cho quyết định của ông Trump là vẫn duy trì cam kết đối với tiến trình hòa bình và giải pháp hai nhà nước nếu như người Israel và người Palestine lựa chọn điều này. Bà Haley cho rằng với việc đảo ngược chính sách đối ngoại của Mỹ, ông Trump chỉ đơn giản là công nhận thực tế vì chính phủ và Quốc hội của Israel được đặt tại Jerusalem. Cũng theo bà Haley, Washington vẫn có sự tín nhiệm với cả Israel và Palestine trong vai trò là một nhà trung gian hòa giải.
 
Cuộc họp không đưa ra tuyên bố chung. Tuy nhiên, các đại sứ của 5 quốc gia châu Âu là Anh, Pháp, Đức, Italy và Thụy Điển đã đưa ra tuyên bố chung chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời khẳng định đây là động thái "không phù hợp" với các nghị quyết của HĐBA LHQ và "không giúp ích gì cho triển vọng hòa bình tại khu vực".

Tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi sẵn sàng đóng góp vào mọi nỗ lực đáng tin cậy nhằm tái khởi động tiến trình hòa bình, trên cơ sở những thông số đã được quốc tế nhất trí. Chúng tôi khuyến khích chính quyền Mỹ đưa ra được những đề xuất chi tiết cho một giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestine.

*Ngày 8/12, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố rằng, tình trạng cuối cùng của thành phố Jerusalem sẽ được quyết định bởi các nhà đàm phán Israel và Palestine, dù cho Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công nhận thành phố này là thủ đô của Israel.

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian ở Paris, Ngoại trưởng Tillerson nêu rõ: "Tổng thống Trump không chỉ ra bất cứ tình trạng cuối cùng nào của Jerusalem. Tôi nghĩ rằng ông ấy rất rõ ràng về tình trạng này, trong đó có biên giới, điều sẽ do các bên đàm phán và quyết định".

Hôm 6/12, Tổng thống Trump đã phá vỡ chính sách kéo dài hàng thập kỷ của Washington khi tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Tổng thống Trump cũng  quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới thành phố linh thiêng này, vốn là một vấn đề nhạy cảm trong các cuộc đàm phán hòa bình, và là vấn đề chính trong sự bất đồng giữa các nhà đàm phán Palestine và Israel trong hàng thập kỷ qua.

Ngày 8/12, trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Al Jazeera, Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), Trưởng đoàn đàm phán của Palestine Saeb Erekat khẳng định nước này sẽ không đàm phán với Mỹ cho đến khi nào Tổng thống Trump đảo ngược quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Kênh truyền hình Al Jazeera cho biết, ông Erekat cũng nêu rõ giới lãnh đạo Palestine đang xem xét tất cả các lựa chọn để phản ứng lại tuyên bố của Tổng thống Trump, song không đưa ra thông tin chi tiết.

Dư luận nhìn chung xem động thái của Tổng thống Trump là một "bước đi nguy hiểm", không chỉ đe dọa tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông, mà còn có nguy cơ làm bùng phát làn sóng bạo lực nghiêm trọng giữa người Palestine và Israel, giữa cộng đồng Do Thái và Arab. Lâu nay, quy chế chính thức của Jerusalem là vấn đề hết sức nhạy cảm và là tâm điểm của cuộc xung đột Israel-Palestine.

Israel coi Jerusalem là thủ đô "vĩnh viễn và không thể chia cắt" của mình, trong khi người Palestine muốn Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai. Đông Jerusalem đã bị Israel chiếm đóng trái phép trong cuộc chiến tranh năm 1967 và sáp nhập vào lãnh thổ nước mình trong một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận.

TTXVN/Báo Tin tức