05:13 24/05/2025

Mỹ bắt đầu tái cấu trúc Hội đồng An ninh quốc gia

Chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 23/5 đã chính thức khởi động quá trình tái cấu trúc Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) của Nhà Trắng, điều chỉnh nhân sự sâu rộng nhằm thu hẹp đáng kể quy mô và phạm vi hoạt động của cơ quan từng rất quyền lực này. Hàng trăm nhân sự đã nhận thông báo chấm dứt hợp đồng, trong bối cảnh các nguồn tin nội bộ cho biết mục tiêu cuối cùng là giảm quy mô NSC xuống chỉ còn khoảng 50 người.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Truyền thông Mỹ dẫn các nguồn tin thân cận cho biết quá trình cắt giảm nhân sự đã bắt đầu từ chiều 23/5, khi các nhân viên phụ trách nhiều vấn đề địa chính trị lớn như xung đột tại Ukraine hay tại vùng Kashmir tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan, nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng. Động thái này diễn ra chỉ vài tuần sau khi Ngoại trưởng Marco Rubio thay thế ông Mike Waltz làm cố vấn an ninh quốc gia.

NSC từ chối bình luận về thông tin trên, trong khi giới quan sát cho rằng việc tái cấu trúc NSC sẽ làm giảm hơn nữa ảnh hưởng của cơ quan này. Từ một cơ quan hoạch định chính sách hùng mạnh dưới các đời tổng thống trước, NSC đang được định hình lại thành một tổ chức nhỏ gọn hơn, tập trung nhiều hơn vào việc thực hiện chương trình nghị sự của tổng thống. Trên thực tế, động thái này được cho là sẽ trao thêm quyền hạn đáng kể cho Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và các bộ, cơ quan khác liên quan đến các vấn đề ngoại giao, an ninh quốc gia và tình báo.

Một quan chức Nhà Trắng giấu tên xác nhận với trang tin Axios rằng quá trình cải tổ đang diễn ra, với mục tiêu cắt giảm nhân sự từ khoảng 350 người hiện tại xuống còn khoảng 50%, thậm chí có thể chỉ còn vài chục người.

NSC theo truyền thống là cơ quan chính được các tổng thống sử dụng để điều phối chiến lược an ninh quốc gia. Nhân viên của NSC thường đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến cách tiếp cận của Mỹ đối với các cuộc xung đột bất ổn nhất thế giới và đóng vai trò then chốt trong việc giữ an toàn cho nước Mỹ. Dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, cơ quan này có hơn 300 nhân viên.

Cuộc cải tổ này là diễn biến mới nhất tại NSC, nơi đã trải qua nhiều xáo trộn kể từ khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai. Việc ông Mike Waltz bị cách chức cố vấn an ninh quốc gia vào đầu tháng này đã mở đường cho những thay đổi sâu rộng. Ông Waltz, người từng được đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, được cho là đã giữ lập trường chính sách đối ngoại Cộng hòa truyền thống hơn, điều này có thể không phù hợp với chương trình nghị sự "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Trump.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Trump từng bày tỏ sự thất vọng với các quan chức và cố vấn chính trị mà ông cho rằng đã cản trở chương trình nghị sự của mình. Nhiều người theo phe bảo thủ từ lâu đã thúc đẩy việc tinh giản NSC, lập luận rằng một số vị trí bị trùng lặp chức năng với các cơ quan khác trong chính phủ. Tuy nhiên, phe Dân chủ và một số nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa lại cho rằng việc thay đổi cơ quan này sẽ khiến các chính sách của ông Trump ít được tham vấn từ các chuyên gia.

Theo các nguồn tin, những nhân viên NSC bị cắt giảm sẽ được chuyển sang các vị trí khác trong chính phủ. Trong quá trình tái cấu trúc, một số bộ phận của NSC dự kiến sẽ được sáp nhập với các đơn vị khác hoặc bị giải thể. Ở hầu hết các đơn vị còn lại, chỉ còn lại một vài nhân viên. Trong số các đơn vị có thể ngừng hoạt động độc lập có các đơn vị giám sát các vấn đề châu Phi và các tổ chức đa phương như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tình trạng hỗn loạn tại NSC không chỉ bắt đầu từ đợt cắt giảm này. Đầu năm nay, một số nhân sự cấp cao cũng đã bị sa thải sau khi nhà hoạt động cực hữu Laura Loomer trình lên Tổng thống Trump danh sách các nhân sự an ninh quốc gia mà bà cho là không trung thành. Ngoài ra, việc ông Waltz, cựu cố vấn an ninh quốc gia, bị phát hiện vô tình chia sẻ thông tin về một chiến dịch ném bom sắp tới ở Yemen với một nhà báo của tạp chí Atlantic cũng làm giảm sút tinh thần làm việc.

Sự thay đổi nhân sự và cơ cấu mới nhất này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi đáng kể cách thức hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ.

Thanh Phương (TTXVN)