09:21 06/09/2018

Mỹ - Ấn Độ nâng cấp quan hệ đồng minh

Sau hai lần trì hoãn, Ấn Độ và Mỹ ngày 6/9 đã tiến hành cuộc đối thoại 2+2 tại thủ đô New Dehli nhằm thảo luận và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia trên phạm vi toàn cầu nói chung và trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói riêng.

Là cơ chế đối thoại cấp cao nhất đầu tiên được tổ chức giữa hai nước, cuộc đối thoại 2+2 lần này phản ánh một bước nâng cấp trong mối quan hệ giữa hai đồng minh lâu đời, đồng thời là sự thừa nhận của Mỹ đối với tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Ấn Độ như một cường quốc toàn cầu, bất chấp những bất đồng còn tồn tại giữa hai nước.

Chú thích ảnh
Ngày 6/9, Ấn Độ và Mỹ bắt đầu cuộc đối thoại "2+2" đầu tiên giữa hai nước. Ảnh: TTXVN phát

Vòng đối thoại 2+2 là một hoạt động ngoại giao-quân sự nối tiếp chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Washington. Trong chuyến thăm, Mỹ và Ấn Độ đã đạt nhiều thỏa thuận đột phá trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, trong đó đáng kể nhất là việc Washington sẵn sàng chia sẻ những công nghệ quân sự hiện đại nhất cho Ấn Độ.

Tiếp nối tinh thần trên, cuộc đối thoại 2+2 lần này, với sự tham dự của Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swarai và Bộ trưởng Quốc phòng Nirmala Sitharaman cùng hai người đồng cấp Mỹ là Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Mike Pompeo, đã đạt được những "trái ngọt" ấn tượng, trong đó nổi bật nhất là việc ký kết Thỏa thuận về tính tương thích và bảo mật truyền thông (COMCASA) và mở một đường dây nóng trong quá trình đối thoại.

Mỹ từ lâu đã muốn đạt được COMCASA với Ấn Độ với hy vọng thỏa thuận này sẽ mở cánh cửa để Washington bán các thiết bị quốc phòng nhạy cảm cho New Delhi, chẳng hạn như phiên bản có vũ trang của các máy bay không người lái Guardian.

Tuy nhiên, Ấn Độ lâu nay lại phản đối COMCASA do cho rằng thỏa thuận này quá can dự vào vấn đề nội bộ của New Delhi. Mặc dù vậy, hồi đầu năm nay, một nguồn tin quốc phòng Ấn Độ chia sẻ New Delhi đã dần từ bỏ “thành kiến” với COMCASA như một tín hiệu báo trước về khả năng đạt được thỏa thuận này trong năm nay.

Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ hiện là chuyên gia của tổ chức Hội đồng Đối ngoại (CFR) Alyssa Ayres nhận định: "Về mặt nâng cao khả năng tương tác thì đó thực sự là một bước tiến lớn”. Ngoài ra, trong bối cảnh Mỹ nổi lên như nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Ấn Độ, với tổng giá trị của các thỏa thuận mua bán lên tới 15 tỷ USD trong vòng 10 năm qua, giới phân tích nhận định, việc ký kết thỏa thuận trên cũng có thể giảm nguy cơ Mỹ áp đặt trừng phạt đối với Ấn Độ khi nước này tìm cách mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga.

Được đánh giá là "một cơ hội lịch sử để củng cố mối quan hệ đối tác đang ngày càng phát triển và khám phá những con đường mới để tăng cường hợp tác an ninh giữa 2 nước” - như lời Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford chia sẻ, vòng đối thoại 2+2 lần này cũng ghi nhận nỗ lực và quyết tâm của Ấn Độ và Mỹ trong việc thúc đẩy và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ song phương quan trọng.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc đối thoại, hai bên đã nhất trí hợp tác vì một Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đảm bảo tôn trọng pháp quyền, chủ quyền quốc gia, cũng như giải quyết vấn đề hàng hải và các vấn đề khác thông qua giải pháp hòa bình.

Hai bên cũng cam kết hợp tác trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, tái khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược và tầm quan trọng chiến lược của việc xác định Ấn Độ như một Đối tác quốc phòng lớn của Mỹ (MDP), đồng thời cam kết mở rộng và triển khai các bước đi cần thiết nhằm củng cố hơn nữa quan hệ quốc phòng.

Có thể thấy vòng đối thoại 2+2 lần này đã mang lại những kết quả rất tích cực trong bối cảnh vẫn còn một số mâu thuẫn tồn đọng trong quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ. Điều này cũng là dễ hiểu bởi giới lãnh đạo Ấn Độ và Mỹ đều nhận thức được tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ chiến lược gần gũi hơn giữa hai nước, cũng như củng cố thêm những bước tiến mà hai bên đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế và an ninh.

Đối với Ấn Độ, việc tăng cường hợp tác với Mỹ sẽ giúp New Dehli thu hút các nguồn vốn đầu tư và đây được xem như một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công nghệ để hiện đại hóa lĩnh vực quốc phòng vốn phụ thuộc vào nhập khẩu.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến Ấn Độ chủ trương thúc đẩy quan hệ gần gũi với Mỹ là để hình thành liên minh đối trọng với Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh đang gia tăng sự hiện diện tại những khu vực truyền thống của New Delhi, trong đó có Ấn Độ Dương.

Trong khi đó, việc thắt chặt quan hệ chiến lược với Ấn Độ cũng được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Quốc gia Nam Á này được nhìn nhận là một mắt xích quan trọng trong việc triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Washington, trong bối cảnh khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc gia và tăng trưởng kinh tế của Mỹ này đang biến động không ngừng. Ngoài ra, bản thân Mỹ cũng hiểu rõ tiềm năng to lớn trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng với Ấn Độ và luôn muốn duy trì điều này.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng giữa Ấn Độ và Mỹ vẫn còn một số bất đồng đáng kể, gây trở ngại cho việc phát triển quan hệ song phương. Trong khi thúc đẩy mối quan hệ gần gũi với Mỹ, Ấn Độ cũng phải tìm cách cân bằng với mối quan hệ với các nước khác, đặc biệt là Nga và Iran.

Đồng giám đốc Chương trình Nam Á của Trung tâm nghiên cứu Stimson có trụ sở tại Washington, ông Sameer Lalwani nhận định: "Ấn Độ vẫn luôn băn khoăn về tính cố kết trong chiến lược của Mỹ và lo rằng Washington đang theo đuổi chính sách không phù hợp với các lợi ích cốt lõi của New Delhi như là việc nước này tiếp tục phụ thuộc vào vũ khí của Nga và dầu lửa của Iran".

Thực tế cho thấy Washington đã tỏ rõ thái độ "không bẳng lòng" khi Ấn Độ đang thương thảo về việc mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga. Sau khi miễn trừ Ấn Độ khỏi các lệnh trừng phạt theo Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt (CAATSA), Mỹ khẳng định rõ rằng nước này muốn New Delhi giảm việc mua các trang thiết bị quốc phòng thiết yếu và các loại vũ khí thông thường do Nga sản xuất.

Tuy nhiên, Ấn Độ dường như vẫn kiên quyết hợp tác quốc phòng với Nga. Ở thời điểm hiện tại, Nga đang tham gia gói thầu của Ấn Độ tìm mua 6 tàu ngầm chạy diesel-điện mới Project-75I trang bị cho hải quân. Nước này cũng để mắt đến việc tham gia đấu thầu cung cấp 111 máy bay trực thăng hạng nhẹ đa mục đích (NUH) cho Ấn Độ.

Rõ ràng, Ấn Độ hiểu rõ quan hệ Nga-Ấn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của nước này và giới phân tích khẳng định “quyền tự chủ chiến lược” được coi là một ưu tiên chính của New Delhi.

Ngoài vấn đề liên quan đến Nga, Mỹ cũng đang hối thúc các nước dừng nhập khẩu dầu từ Iran sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JPCOA) được ký vào năm 2015 giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức).

Trong khi đó, Ấn Độ lại là khách hàng hàng đầu của ngành dầu mỏ Iran, chỉ sau Trung Quốc. Bản thân New Delhi đến nay vẫn chưa quyết định về việc có cắt giảm nhập khẩu dầu từ Iran hay không, hoặc cắt giảm bao nhiêu.

Dù còn nhiều thách thức, song những lợi ích to lớn của một mối quan hệ Ấn Độ - Mỹ vững mạnh vẫn là động lực để hai quốc gia này nỗ lực thu hẹp và giải quyết những bất đồng gây trở ngại trong quan hệ song phương cũng như tìm kiếm sự "đồng điệu" trong các vấn đề quan trọng.

Một Ấn Độ đang ngày càng vươn lên khẳng định tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và trên trường quốc tế, cùng một nước Mỹ đang nỗ lực gia tăng sự hiện diện và vị thế tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ không ngần ngại vượt lên những thách thức để xích lại gần nhau hơn.

 

Phương Oanh (TTXVN)